Gửi văn bản đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân đến cơ quan nào? Trường hợp nào thực hiện gia hạn trích xuất phạm nhân?
Gửi văn bản đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân đến cơ quan nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định như sau:
Gửi văn bản đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân, nếu không thuộc thẩm quyền ra lệnh trích xuất, cơ quan thi hành án hình sự phải gửi văn bản đề nghị trích xuất phạm nhân kèm theo bản sao văn bản yêu cầu trích xuất của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đến cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất phạm nhân để ra lệnh trích xuất. Khi gửi văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất, cơ quan thi hành án hình sự phải thông báo cho cơ quan có yêu cầu trích xuất biết.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu khi nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nếu không thuộc thẩm quyền ra lệnh trích xuất thì thực hiện việc đề nghị ra lệnh trích xuất như sau:
a) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì gửi văn bản đề nghị trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;
b) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thuộc Công an cấp tỉnh khác quản lý thì gửi văn bản đề nghị trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đó ra lệnh trích xuất;
d) Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu khác thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đó để ra lệnh trích xuất.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải gửi văn bản đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu trích xuất gửi văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân theo thẩm quyền.
4. Trường hợp nhận được yêu cầu trích xuất đối với phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nơi chấp hành án, cơ quan nhận được yêu cầu trích xuất phải có văn bản thông báo lại cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu trích xuất biết về việc phạm nhân đó có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nơi chấp hành án để xem xét, cân nhắc việc trích xuất phạm nhân.
Như vậy theo quy định trên gửi văn bản đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân đến cơ quan sau:
- Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì gửi văn bản đề nghị trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
- Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
- Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thuộc Công an cấp tỉnh khác quản lý thì gửi văn bản đề nghị trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đó ra lệnh trích xuất.
- Trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu khác thì gửi văn bản yêu cầu trích xuất đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đó để ra lệnh trích xuất.
Gửi văn bản đề nghị ra lệnh trích xuất phạm nhân đến cơ quan nào? Trường hợp nào thực hiện gia hạn trích xuất phạm nhân? (Hình từ Internet)
Lệnh trích xuất phạm nhân phải có nội dung gì?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 40 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định lệnh trích xuất phạm nhân phải có nội dung sau:
- Cơ quan, họ, tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh.
- Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, ngày bị bắt, tội danh, thời hạn và nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.
- Mục đích và thời hạn trích xuất.
- Cơ quan, người nhận phạm nhân được trích xuất (nếu có).
- Ngày, tháng, năm ra lệnh; chữ ký của người ra lệnh và đóng dấu.
Trường hợp nào thực hiện gia hạn trích xuất phạm nhân?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định các trường hợp gia hạn trích xuất phạm nhân như sau:
- Phạm nhân được trích xuất là bị can, bị cáo trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất đang thụ lý, khi hết thời hạn trích xuất cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn đang tiến hành một trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với phạm nhân đó.
- Trong thời gian trích xuất, phạm nhân được trích xuất đã bị Tòa án xét xử, khi hết thời hạn trích xuất bản án mới chưa có hiệu lực pháp luật hoặc bản án đó đã có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất chưa nhận được quyết định thi hành án của Tòa án.
- Trường hợp phạm nhân được trích xuất không phải là bị can, bị cáo trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất đang thụ lý, khi hết thời hạn trích xuất, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa đạt mục đích trích xuất và vẫn có nhu cầu tiếp tục trích xuất phạm nhân đó để giải quyết vụ án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.