Định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo từ ngày 16/12/2024 được phân thành mấy loại?
Định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo từ ngày 16/12/2024 được phân thành mấy loại?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT quy định về phân loại định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:
Phân loại định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền ban hành
a) Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp Bộ là định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành để áp dụng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo các khối ngành;
b) Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp địa phương là định mức kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cao đẳng sư phạm và giáo dục thường xuyên của địa phương để áp dụng trong phạm vi các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trực thuộc địa phương;
c) Định mức kinh tế - kỹ thuật cấp cơ sở là định mức kinh tế - kỹ thuật do các cơ sở giáo dục xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ sở giáo dục.
2. Phân loại theo nhóm dịch vụ sự nghiệp công
Định mức kinh tế - kỹ thuật theo các nhóm Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Như vậy, từ ngày 16/12/2024, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo được phân thành 02 loại, gồm:
(1) Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền ban hành
(2) Phân loại theo nhóm dịch vụ sự nghiệp công
Định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo từ ngày 16/12/2024 được phân thành mấy loại? (Hình ảnh Internet)
Định mức kinh tế - kỹ thuật trong Giáo dục và Đào tạo được chia làm bao nhiêu phương pháp?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT quy định về phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo bao gồm:
Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Phương pháp tiêu chuẩn: căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi, mức tiêu hao máy móc, thiết bị để xây dựng các định mức lao động, thiết bị, vật tư và cơ sở vật chất đối với từng công việc, làm cơ sở tính toán xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
2. Phương pháp thống kê tổng hợp: căn cứ số liệu thống kê hằng năm hoặc trong các kỳ báo cáo trong thời gian 03 năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và thực tế giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Phương pháp phân tích thực nghiệm: thực hiện tổ chức khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc; căn cứ kết quả khảo sát, thực nghiệm để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức.
4. Phương pháp so sánh: căn cứ vào các định mức của công việc, sản phẩm tương đương đã thực hiện trong thực tế để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Như vậy, định mức kinh tế - kỹ thuật trong Giáo dục và Đào tạo được chia làm 04 phương pháp, cụ thể:
- Phương pháp tiêu chuẩn.
- Phương pháp thống kê tổng hợp.
- Phương pháp phân tích thực nghiệm.
- Phương pháp so sánh.
Từ 16/12/2024, nội dung của định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực GD&ĐT gồm những gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT quy định về nội dung của định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:
Áp dụng một hoặc đồng thời các phương pháp được quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT để xây dựng các định mức thành phần như sau:
(1) Định mức lao động (giờ)
Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý; phục vụ...).
Định mức lao động trực tiếp là thời gian giảng dạy lý thuyết; hướng dẫn thực hành; hướng dẫn tiểu luận, luận án, luận văn...
Định mức lao động gián tiếp được tính theo tỷ lệ % của lao động trực tiếp.
(2) Định mức thiết bị
- Xác định chủng loại thiết bị;
- Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của thiết bị;
- Xác định thời gian sử dụng từng chủng loại thiết bị;
- Tổng hợp định mức thiết bị.
Các thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, phục vụ của lao động gián tiếp tại cơ sở giáo dục không được tính trong định mức thiết bị.
(3) Định mức vật tư
- Xác định chủng loại vật tư;
- Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư: Căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư);
- Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi;
- Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư: Mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp trong đào tạo.
(4) Định mức cơ sở vật chất
- Định mức sử dụng khu học lý thuyết cho 01 người học:
Đlt = Slt x Tlt
Trong đó:
+ Đlt: Định mức sử dụng khu học lý thuyết của 01 người học trong quá trình đào tạo (đơn vị tính m2 x giờ/người học);
+ Slt: Diện tích sử dụng trung bình của 01 người học tại khu học lý thuyết trong quá trình đào tạo (đơn vị tính m2/người học);
+ Tlt: Tổng thời gian sử dụng tại khu học lý thuyết của 01 người học trong quá trình đào tạo (đơn vị tính giờ).
- Định mức sử dụng từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo:
Đth = Sth x Tth
Trong đó:
+ Đth: Định mức sử dụng từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (m2 x giờ/người học);
+ Sth: Diện tích sử dụng trung bình từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (m2/người học);
+ Tth: Tổng thời gian sử dụng từng khu thực hành, thực tập, thí nghiệm của 01 người học trong quá trình đào tạo (giờ).
- Định mức các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật khác trong trường được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với tổng định mức khu học lý thuyết và khu thực hành, thực tập, thí nghiệm.
Lưu ý: Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.