Đã có Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực từ 01/3/2023? Quy định mới về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền như thế nào?
- Có phải Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền với hiệu lực thi hành từ 01/3/2023 hay không?
- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 là gì?
- Các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền mới nhất là gì?
- Quy định mới về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong Luật mới ban hành là như thế nào?
Có phải Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền với hiệu lực thi hành từ 01/3/2023 hay không?
Chiều 15/11 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo đó, mới nhất Quốc hội đã ban hành toàn văn Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 với bố cục 4 Chương và 66 Điều:
- Chương I: Những quy định chung
- Chương II: Biện pháp phòng, chống rửa tiền
- Chương III: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền.
- Chương IV: Điều khoản thi hành.
Về hiệu lực thi hành thì căn cứ Điều 66 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì văn bản Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 03 năm 2023. Trừ quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật này thì có hiệu lực từ ngày quy định khác về cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có hiệu lực.
Đã có Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực từ 01/3/2023? Quy định mới về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền như thế nào? (Hình từ Internet)
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 là gì?
Về phạm vi điều chỉnh thì căn cứ Điều 1 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định như sau:
- Luật này quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
- Việc phòng, chống hành vi rửa tiền của tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Về đối tượng áp dụng căn cứ Điều 2 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy dịnh áp dụng đối với:
- Tổ chức tài chính;
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan;
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan;
- Tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền mới nhất là gì?
Căn cứ Điều 8 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền bao gồm:
- Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền.
- Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.
- Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.
- Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.
- Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.
Quy định mới về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong Luật mới ban hành là như thế nào?
Căn cứ Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có quy định về việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền như sau:
Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
1. Định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.
2. Các bộ, ngành có trách nhiệm sau đây:
a) Phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong nội bộ Bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định;
b) Cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật.
3. Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.
Theo đó, quy định trên nêu rõ về việc thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền. Cụ thể thì định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.
Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ 01/3/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.