Chó có được xem là tài sản hay không? Trộm chó thì sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Chó có được xem là tài sản hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản được định nghĩa như sau:
"Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
..."
Đối với việc xác định khái niệm vật là gì, thì hiện nay theo quy định của pháp luật vẫn chưa có khái niệm vật cụ thể là gì. Tuy nhiên, đối với khái niệm thực tế thì vật là bao gồm tất cả các vật tồn tài trên Trái Đất này. Như vậy, chó vẫn được xem là vật, và từ đó chó cũng được xem là tài sản.
Khi một người sở hữu tài sản thì những người đó sẽ có các quyền như sau theo Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015:
"Điều 158. Quyền sở hữu
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật."
Chó có được xem là tài sản hay không? Trộm chó thì sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trộm chó thì sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì đối với hành vi trộm chó sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
đ) Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
...
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này
Như vậy, nếu người nào thực hiện hành vi trộm chó sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 3.000.000 đồng và sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) và đối với người nước ngoài thì còn bị trục xuất.
Trộm chó thì có bị đi tù hay không?
Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định như sau:
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, tùy theo giá trị của con chó bị trộm mà bạn sẽ có thể bị phạt tù với khung hình phạt cao nhất lên đến lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.