Cách tính lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn nhưng bên vay không trả hoặc trả không đủ như thế nào?
Cách tính lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn nhưng bên vay không trả hoặc trả không đủ?
Hiện nay, trường hợp khi hợp đồng vay đến hạn nhưng bên vay không trả hoặc trả không đủ tiền thường xuyên xảy ra. Thực tế, hoạt động cho vay diễn ra không chỉ giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng mà còn là giữa các tổ chức, cá nhân với nhau. Theo đó, cách tính lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn nhưng bên vay không trả hoặc trả không đủ có sự khác nhau giữa hai trường hợp, cụ thể:
(1) Trường hợp vay giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng sẽ được xác định là hợp đồng tín dụng và áp dụng pháp luật các tổ chức tín dụng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì cách tính lãi suất như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
- Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định trên, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
- Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Lãi quá hạn = Số tiền còn lại x Lãi suất hợp đồng (năm) x 150% x Thời gian quá hạn
Ví dụ: A đi vay 200 triệu với lãi suất là 10%/năm, thời hạn vay 1 năm (12 tháng). Hết 1 năm A chỉ trả được 100 triệu và còn nợ lại 100 triệu, 6 tháng sau A mới trả đủ thì A phải trả lãi quá hạn như sau:
Lãi quá hạn = 100 triệu x 10% x 150% x 1/2 = 7,5 triệu.
(2) Trường hợp vay giữa các tổ chức, cá nhân được xác định là hợp đồng vay theo BLDS 2015. Việc xác định lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn nhưng bên vay không trả hoặc trả không đủ thì cách tính lãi suất thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP như sau:
Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn.
Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
+ Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả:
- Trường hợp xác định rõ về lãi suất vay: Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức 20%/năm tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng.
Tiền lãi trong hạn = Số tiền vay x Lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả lãi
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm.
Tiền lãi trong hạn = Số tiền vay x 10%/năm x Thời gian chưa trả lãi
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả
Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định (20%/năm).
Lãi quá hạn = Số tiền vay chưa trả x 150% lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả nợ gốc.
+ Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi
Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = Lãi trong hạn chưa trả x lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ x Thời gian chậm trả tiền lãi.
Ví dụ: Ngày 04/11/2017, A ký hợp đồng vay của B số tiền 320.000.000 đồng với thời hạn vay 1 năm. Lãi suất vay 15%/năm. Khi hết thời hạn vay được thỏa thuận trong hợp đồng (04/11/2018) A chỉ mới trả cho B 120.000.000 đồng tiền gốc và chưa trả tiền lãi vay theo đúng hợp đồng đã ký. Ngày 04/5/2020, A nộp đơn khởi kiện B ra Tòa án huyện X để đòi lại tài sản. Như vậy, tính đến ngày 04/5/2020, số tiền mà A phải có nghĩa vụ phải trả cho B được tạm tính như sau:
- Tiền lãi trong hạn = 320.000.000 đồng x 15% x 1 năm = 48.000.000 đồng
- Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = 48.000.000 đồng x 7.5% x 1 năm 6 tháng = 5.400.000 đồng
- Lãi quá hạn = 200.000.000 đồng x (150% x 15%) x 1 năm 6 tháng = 67.500.000 đồng.
Tổng cộng, A có nghĩa vụ trả cho B số tiền = 200.000.000 + 48.000.000 + 5.400.000 + 67.500.000 = 320.900.000 đồng.
Cách tính lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn nhưng bên vay không trả hoặc trả không đủ?
Tổ chức tín dụng nào được cho vay vốn hiện nay?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì các tổ chức tín dụng sau được cho vay vốn:
+ Ngân hàng thương mại;
+ Ngân hàng hợp tác xã;
+ Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
+ Tổ chức tài chính vi mô;
+ Quỹ tín dụng nhân dân;
+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Có những nguyên tắc cho vay nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì có các nguyên tắc cho vay sau:
+ Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.