Các đơn vị sự nghiệp y tế được phân hạng theo thông tư 06/2024/TT-BYT từ 01/7/2024 như thế nào?
Các đơn vị sự nghiệp y tế được phân hạng theo thông tư 06/2024/TT-BYT từ 01/7/2024 như thế nào?
Ngày 16/5/2024, Bộ Y Tế ban hành Thông tư 06/2024/TT-BYT Quy định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế.
>>Tải về Thông tư 06/2024/TT-BYT Tại đây
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 06/2024/TT-BYT quy định về phân hạng của các đơn vị sự nghiệp y tế như sau:
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xếp theo 04 hạng: hạng đặc biệt, hạng I, hang II, hang III.
- Các cơ sở y tế dự phòng; các cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định và trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương xếp theo 04 hạng: hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.
Các đơn vị sự nghiệp y tế được chia thành bao nhiêu phân hạng và được quy định như thế nào tại thông tư 06/2024/TT-BYT? (Hình từ internet)
Tiêu chuẩn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế được quy định như thế nào tại thông tư 06/2024/TT-BYT?
Theo Điều 3 Thông tư 06/2024/TT-BYT được quy định về tiêu chuẩn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế như sau:
- Các nhóm tiêu chuẩn xếp hạng:
+ Nhóm tiêu chuẩn I về vị trí, chức năng, nhiệm vụ: 10 điểm;
+ Nhóm tiêu chuẩn II về quy mô và nội dung hoạt động: 15 điểm;
+ Nhóm tiêu chuẩn III về nhân lực: 20 điểm;
+ Nhóm tiêu chuẩn IV về khả năng chuyên môn: 40 điểm;
+ Nhóm tiêu chuẩn V về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị: 15 điểm.
- Tiêu chuẩn cụ thể và mức điểm quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BYT:
+ Phụ lục 1: Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Phụ lục 2: Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở y tế dự phòng;
+ Phụ lục 3: Tiêu chuẩn xếp hạng trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Phụ lục 4: Tiêu chuẩn xếp hạng viện; trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định, trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Phụ lục 5: Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng đặc biệt
- Điểm số và xếp hạng tổ chức:
+ Hạng đặc biệt: là cơ sở hạng I đạt 100 điểm và đạt các tiêu chuẩn của hạng đặc biệt;
+ Hạng I: từ 90 đến 100 điểm;
+ Hạng II: từ 70 đến dưới 90 điểm;
+ Hạng III: từ 50 đến dưới 70 điểm;
+ Hạng IV: dưới 50 điểm.
- Phương pháp tính điểm:
+ Tính điểm theo từng tiêu chuẩn cụ thể trong bảng điểm ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BYT, không vận dụng điểm trung gian, không tính điểm khi các số liệu chưa hoàn chỉnh.
+ Việc xem xét hồ sơ đề nghị xếp hạng căn cứ các tài liệu, số liệu thống kê minh chứng các tiêu chuẩn và kiểm tra thực tế tại đơn vị (lấy số liệu của 02 năm trước liền kề năm đề nghị xếp hạng và các tài liệu kế hoạch thực hiện của năm đề nghị xếp hạng; trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì việc cung cấp số liệu do cấp có thẩm quyền công nhận xếp hạng xem xét, quyết định; minh chứng tiêu chí đề tài nghiên cứu khoa học lấy số liệu trong thời gian giữ hạng đơn vị).
- Đối với đơn vị có nhiều cơ sở, việc xếp hạng các cơ sở do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế được quy định như thế nào?
Theo Điều 11 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công như sau:
- Nguồn ngân sách nhà nước:
+ Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định;
+ Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
+ Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có), gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng;
+ Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công (nếu có). Riêng đối với đơn vị nhóm 1, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang triển khai dở dang theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc bố trí cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản mới thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị sự nghiệp công quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 7 Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
- Nguồn thu hoạt động sự nghiệp:
+ Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;
+ Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;
+ Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.
- Nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
- Nguồn vốn vay; vốn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Thông tư 06/2024/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.