Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề lần đầu đối với người có bài thuốc gia truyền bao gồm những gì?
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề lần đầu đối với người có bài thuốc gia truyền bao gồm những gì?
- Những trường hợp nào cấp lại giấy phép hành nghề đối với người có bài thuốc gia truyền?
- Người có bài thuốc gia truyền phải thực hiện thủ tục gia hạn ít nhất bao nhiêu ngày trước thời điểm giấy phép hành nghề hết hạn?
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề lần đầu đối với người có bài thuốc gia truyền bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề lần đầu đối với người có bài thuốc gia truyền bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn theo Mẫu 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP.
- Bản sao hợp lệ của giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy khám sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện cấp (không áp dụng đối với trường hợp kết quả khám sức khỏe đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế) hoặc bản sao hợp lệ giấy phép lao động đối với trường hợp phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Sơ yếu lý lịch tự thuật của người hành nghề theo Mẫu 09 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP (không áp dụng đối với trường hợp lý lịch của người hành nghề đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế).
- 02 ảnh chân dung cỡ 04 cm x 06 cm, chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề (không áp dụng đối với trường hợp người nộp hồ sơ đã đăng tải ảnh khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử).
- Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:
- Văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp kết quả đánh giá năng lực đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
- Giấy phép hành nghề đã được thừa nhận theo quy định tại Điều 37 Nghị định 96/2023/NĐ-CP (không áp dụng đối với trường hợp kết quả thừa nhận giấy phép hành nghề đã được kết nối, chia sẻ trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế).
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề lần đầu đối với người có bài thuốc gia truyền bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Những trường hợp nào cấp lại giấy phép hành nghề đối với người có bài thuốc gia truyền?
Căn cứ theo quy định về cấp lại giấy phép hành nghề tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 96/2023/NĐ-CP như sau:
Các trường hợp, điều kiện cấp lại giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền
1. Cấp lại giấy phép hành nghề áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Giấy phép hành nghề bị mất hoặc hư hỏng;
b) Thay đổi thông tin quy định tại điểm a khoản 3 Điều 27 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sai sót thông tin quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
c) Người đã được cấp giấy phép hành nghề nhưng bị thu hồi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 9 Điều 34 Nghị định này;
d) Giấy phép hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, các trường hợp cấp lại giấy phép hành nghề đối với người có bài thuốc gia truyền bao gồm:
- Giấy phép hành nghề bị mất hoặc hư hỏng.
- Thay đổi thông tin hoặc có sai sót thông tin về họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài.
- Người đã được cấp giấy phép hành nghề nhưng bị thu hồi thuộc một trong các trường hợp:
+ Bị thu hồi do hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định
+ Bị thu hồi do cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề
+ Bị thu hồi giấy phép hành nghề do người hành nghề tự đề nghị thu hồi giấy phép nhưng sau đó đề nghị cấp lại.
- Giấy phép hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền.
Người có bài thuốc gia truyền phải thực hiện thủ tục gia hạn ít nhất bao nhiêu ngày trước thời điểm giấy phép hành nghề hết hạn?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 96/2023/NĐ-CP như sau:
Hồ sơ, thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền
...
2. Thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề:
a) Người đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và nộp phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí cho cơ quan cấp giấy phép hành nghề tối thiểu 60 ngày trước ngày giấy phép hành nghề hết hạn.
Trường hợp bị ốm đau, tai nạn hoặc trường hợp bất khả kháng tại thời điểm nộp hồ sơ gia hạn thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan cấp giấy phép hành nghề để lùi thời gian nộp hồ sơ gia hạn giấy phép hành nghề.
Người hành nghề được đề nghị lùi thời điểm gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian lùi thời điểm thực hiện gia hạn không quá 22 tháng kể từ ngày giấy phép hành nghề hết hạn;
...
Như vậy, người có bài thuốc gia truyền phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề tối thiểu 60 ngày trước ngày giấy phép hành nghề hết hạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.