Hành vi vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản bị xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào?
- Hành vi vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản bị xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào?
- Tình tiết vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn được pháp luật quy định như thế nào?
- Lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội có được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?
Hành vi vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản bị xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào?
Căn cứ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp bạn thắc mắc vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ của mình làm trái công vụ gây thiệt hại lên đến 300.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Hành vi vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản (Hình từ Internet)
Tình tiết vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 6, 7 và khoản 8 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP quy định về một số tình tiết là dấu hiệu định tội như sau:
Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội
[...]
6. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 356 của Bộ luật Hình sự là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn A là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B đã thực hiện hành vi trái công vụ, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện B ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
7. “Vụ lợi” quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
8. “Động cơ cá nhân khác” quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm khẳng định, củng cố, nâng cao địa vị, uy tín, quyền lực của mình một cách không chính đáng.
[...]
Theo đó, "lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và "vụ lợi" là dấu hiệu định tội, cụ thể:
"Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
"Vụ lợi” là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội có được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
[...]
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Theo quy định nêu trên, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tình tiết lợi dụng chức vụ quyền hạn đã là dấu hiệu định tội theo Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.