Giải pháp xử lý nước thải áp dụng trong trường hợp khu dân cư chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung (phi tập trung) là gì?
Nước thải có bản chất là gì và gồm những loại cụ thể nào?
Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 80/2014/NĐ-CP, nước thải được định nghĩa như sau:
"7. Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất do sử dụng hoặc do các hoạt động của con người xả vào hệ thống thoát nước hoặc ra môi trường."
Theo đó, tại khoản 8 và khoản 9 Điều 2 Nghị định 80/2014/NĐ-CP, nước thải bao gồm những loại sau:
"8. Nước thải sinh hoạt là nước thải ra từ các hoạt động sinh hoạt của con người như ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân...
9. Nước thải khác là nước đã qua sử dụng mà không phải là nước thải sinh hoạt."
Hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải cần đáp ứng những nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 80/2014/NĐ-CP, nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải được quy định cụ thể như sau:
"Điều 3. Nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải
1. Dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung là loại hình hoạt động công ích, được Nhà nước quan tâm, ưu tiên và khuyến khích đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước và xử lý nước thải, bảo đảm phát triển bền vững.
2. Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước.
3. Nước mưa, nước thải được thu gom; nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
4. Nước thải có tính chất nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải ngay hại và các quy định pháp luật khác có liên quan.
5. Hệ thống thoát nước được xây dựng đồng bộ, được duy tu, bảo dưỡng. Ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Thoát nước và xử lý nước thải phải đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
6. Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước có liên quan đến kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ và hoàn trả nguyên trạng hoặc khôi phục lại nếu làm hư hỏng công trình giao thông.
7. Các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến hệ thống thoát nước phải có phương án bảo đảm sự hoạt động bình thường, ổn định hệ thống thoát nước.
8. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước."
Theo đó, khi tiến hành các hoạt động quản lý và xử lý nước thải, cần đảm bảo thực hiện tuân thủ những nguyên tắc nêu trên.
Giải pháp xử lý nước thải khi khu dân cư chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung là gì?
Xử lý nước thải phi tập trung (Hình từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 80/2014/NĐ-CP có quy định về xử lý nước thải phi tập trung như sau:
"Điều 23. Quy định về xử lý nước thải phi tập trung
1. Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung được áp dụng đối với các khu hoặc cụm dân cư, khu đô thị mới, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chợ, trường học, khu nghỉ dưỡng hoặc các khu vực bị hạn chế bởi đất đai, địa hình... không có khả năng hoặc chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung.
[...]"
Theo đó, trong trường hợp khu hoặc cụm dân cư không có khả năng hoặc chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung, dẫn đến không thể xử lý nước thải theo hình thức tập trung thì sẽ áp dụng các biện pháp xử lý nước thải phi tập trung.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 04/2015/TT-BXD có quy định chi tiết các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung như sau:
"Điều 1. Quản lý xử lý nước thải phi tập trung
1. Đối tượng áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phải tuân thủ theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
2. Các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung:
a) Xử lý nước thải phi tập trung tại chỗ: thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước riêng lẻ với tổng lượng nước thải dưới 50m3/ngày.đêm, thiết bị/trạm xử lý nước thải được đặt ngay tại khuôn viên của hộ thoát nước.
b) Xử lý nước thải phi tập trung theo cụm: thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước ở gần nhau với tổng lượng nước thải từ 50 m3/ngày.đêm đến 200 m3/ngày.đêm. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, trạm xử lý nước thải có thể được đặt tại khuôn viên của một hộ thoát nước hoặc ở một vị trí riêng biệt, thuận lợi để thu gom nước thải từ các hộ thoát nước.
c) Xử lý nước thải phi tập trung theo khu vực: thường được áp dụng trong một địa giới hành chính nhất định với tổng lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm đến 1000 m3/ngày.đêm, vị trí của trạm/nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch thoát nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguồn thải phát sinh, nguồn tiếp nhận, điều kiện kinh tế, địa hình, trình độ, năng lực quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tại địa phương quyết định lựa chọn giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phù hợp.
[...]"
Như vậy, tùy vào từng trường hợp, các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung cũng được áp dụng một cách cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng khu vực nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.