Giá kê khai là gì? Hàng hóa, dịch vụ nào thực hiện kê khai giá? Đối tượng kê khai giá là ai? Nội dung kê khai giá?
Giá kê khai là gì? Hàng hóa, dịch vụ nào thực hiện kê khai giá?
Căn cứ tại khoản 1, 2 Điều 28 Luật Giá 2023 về kê khai giá:
Theo đó:
Giá kê khai là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai.
Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá;
- Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng;
- Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu;
- Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Trong đó:
A. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá 2023:
(1) Xăng, dầu thành phẩm.
(2) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
(3) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
(4) Thóc tẻ, gạo tẻ.
(5) Phân đạm; phân DAP; phân NPK.
(6) Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
(7) Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
(8) Thuốc bảo vệ thực vật.
(9) Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
B. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Luật Giá 2023:
STT | Tên hàng hóa, dịch vụ | Thẩm quyền, hình thức định giá |
1 | Điện (bán lẻ, bán buôn); các dịch vụ về điện theo quy định của Luật Điện lực bao gồm: dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện | Thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực |
2 | Dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống cho sản xuất điện | Bộ Công Thương định giá cụ thể |
3 | Dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư | Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa |
... |
Tải về Bản đầy đủ Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Giá kê khai là gì? Hàng hóa, dịch vụ nào thực hiện kê khai giá? Đối tượng kê khai giá là ai? Nội dung kê khai giá? (Hình từ Internet)
Đối tượng kê khai giá là ai? Nội dung kê khai giá?
Theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 28 Luật Giá 2023 về kê khai giá:
(i) Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, xuất xứ (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai.
(ii) Đối tượng kê khai giá là tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và có quyền quyết định giá; thuộc danh sách do cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Luật Giá 2023, cụ thể:
Tại khoản 5 Điều 28 Luật Giá 2023 quy định việc xây dựng, thông báo danh sách tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá được quy định như sau:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền tiếp nhận kê khai rà soát, ban hành danh sách tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá tại Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát, ban hành danh sách tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá tại địa phương và không thuộc danh sách kê khai giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành.
Lưu ý:
Tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng kê khai giá tự quyết định giá hàng hóa, dịch vụ, có trách nhiệm kê khai giá lần đầu và kê khai lại giá sau khi quyết định giá theo quy định và chịu trách nhiệm về mức giá, nội dung kê khai giá của mình.
Cơ quan tiếp nhận kê khai có trách nhiệm tổ chức việc cập nhật thông tin giá kê khai vào cơ sở dữ liệu về giá; được sử dụng mức giá kê khai trong công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường theo quy định.
08 Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá?
08 Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá được quy định tại Điều 12 Luật Giá 2023, cụ thể như sau:
(1) Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.
(2) Quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.
(3) Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá.
(4) Quản lý hoạt động thẩm định giá; tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.
(5) Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá, thẩm định giá.
(6) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.
(7) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá.
(8) Hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.