Giá gói thầu xây dựng được cập nhật khi nào? Ai có trách nhiệm quyết định giá gói thầu xây dựng trong lựa chọn nhà thầu?
- Giá gói thầu xây dựng được cập nhật khi nào?
- Ai có trách nhiệm quyết định giá gói thầu xây dựng trong lựa chọn nhà thầu?
- Đối với dự án đã được phê duyệt dự toán xây dựng công trình thì chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu xây dựng trên cơ sở nào?
- Chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ gì trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng?
Giá gói thầu xây dựng được cập nhật khi nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 10/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Giá gói thầu xây dựng
1. Giá gói thầu xây dựng là giá trị của gói thầu xây dựng được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu xây dựng gồm toàn bộ chi phí cần thiết được tính đúng, tính đủ để thực hiện gói thầu xây dựng, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
2. Giá gói thầu được cập nhật trước ngày mở thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu nếu cần thiết.
Như vậy, theo quy định trên thì giá gói thầu xây dựng được cập nhật trước ngày mở thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu nếu cần thiết.
Giá gói thầu xây dựng (Hình từ Internet)
Ai có trách nhiệm quyết định giá gói thầu xây dựng trong lựa chọn nhà thầu?
Căn cứ tại Điều 36 Nghị định 10/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư
1. Thực hiện quy định về quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư tại Điều 72 Luật Xây dựng và khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và thẩm quyền quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
2. Quyết định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, loại hợp đồng, hình thức hợp đồng.
Như vậy, theo quy định trên thì người quyết định đầu tư có quyền và trách nhiệm quyết định giá gói thầu xây dựng trong lựa chọn nhà thầu, loại hợp đồng, hình thức hợp đồng.
Đối với dự án đã được phê duyệt dự toán xây dựng công trình thì chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu xây dựng trên cơ sở nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 10/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Xác định dự toán gói thầu
1. Dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của từng gói thầu phù hợp với thiết kế, phạm vi, tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của gói thầu.
2. Đối với dự án thực hiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) để triển khai hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (EPC), dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu xác định trên cơ sở thiết kế FEED.
3. Đối với dự án, công trình được người quyết định đầu tư cho phép triển khai thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo từng gói thầu xây dựng, từng giai đoạn kế hoạch thực hiện dự án thì dự toán gói thầu được xác định trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi gói thầu và thiết kế xây dựng tương ứng. Các khoản mục chi phí trong dự toán gói thầu được xác định như các khoản mục chi phí trong dự toán xây dựng công trình quy định tại Điều 12 Nghị định này, phù hợp với phạm vi, tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng gói thầu.
4. Đối với dự án đã được phê duyệt dự toán xây dựng công trình, chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của gói thầu trong dự toán xây dựng công trình được duyệt nếu cần thiết.
5. Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu được xác định phù hợp với hình thức hợp đồng sử dụng cho gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Như vậy, theo quy định trên thì đối với dự án đã được phê duyệt dự toán xây dựng công trình thì chủ đầu tư tự xác định dự toán gói thầu xây dựng trên cơ sở các khoản mục chi phí thuộc phạm vi của gói thầu trong dự toán xây dựng công trình được duyệt nếu cần thiết.
Chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ gì trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng?
Căn cứ tại Điều 37 Nghị định 10/2021/NĐ-CP trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì Chủ đầu tư có quyền và nghĩa vụ sau:
- Thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư tại Điều 68 Luật Xây dựng và thẩm quyền quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
- Chấp thuận các đề xuất về thay đổi vật tư, vật liệu xây dựng, biện pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật theo đề xuất của tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường theo các thỏa thuận của hợp đồng xây dựng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng và mục tiêu của dự án.
- Quản lý chặt chẽ, sử dụng nguồn vốn bố trí cho dự án đúng mục đích; kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định, đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự án.
- Thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng nếu có đủ điều kiện năng lực theo quy định.
- Cung cấp thông tin dữ liệu của dự án theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp hoặc tổ chức thu thập thông tin quản lý chi phí theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
- Tạm ứng, thanh toán và quyết toán hợp đồng theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết với nhà thầu.
- Mua bảo hiểm công trình đối với các công trình có quy định phải mua bảo hiểm hoặc ủy quyền cho nhà thầu mua bảo hiểm thông qua hợp đồng xây dựng.
- Thực hiện nộp phạt khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng từ nguồn chi phí quản lý dự án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.