Đường sắt đô thị sau khi xây dựng thì có được hoạt động ngay không? Trường hợp đã được đưa vào vận hành thì có phải thực hiện kiểm tra nữa không?
Kinh doanh đường sắt đô thị cần đáp ứng điều kiện gì?
Kinh doanh đường sắt đô thị là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Điều 49 Luật Đường sắt 2017.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 Nghị định 65/2018/NĐ-CP, như sau:
- Hệ thống đường sắt đô thị khi được đưa vào kinh doanh, khai thác phải có chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật.
- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt, công tác an toàn vận tải đường sắt, trong đó:
+ Người phụ trách bộ phận an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;
+ Người phụ trách bộ phận an toàn vận tải đường sắt có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khai thác vận tải đường sắt.
- Có ít nhất 03 người quản lý, điều hành doanh nghiệp có trình độ từ đại học trở lên, trong đó:
+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp một trong các lĩnh vực: Xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;
+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực khai thác vận tải đường sắt;
+ 01 người có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, vận dụng, sửa chữa đầu máy, toa xe;
- Đối với các tuyến đường sắt đô thị lần đầu tiên đưa vào khai thác, trong thời gian 03 năm kể từ thời điểm bắt đầu khai thác mà chưa bố trí được nhân lực có điều kiện về số năm kinh nghiệm công tác theo quy định tại Khoản 3 Điều này thì trong 03 năm đầu khai thác phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành xây dựng công trình đường sắt, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt của tuyến đường sắt đô thị được giao quản lý;
+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý khai thác vận tải đường sắt phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành khai thác vận tải đường sắt hoặc kinh tế - vận tải đường sắt, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác vận tải của tuyến đường sắt đô thị được giao quản lý;
+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý đầu máy, toa xe phải có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành đầu máy, toa xe, có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyển giao công nghệ về đầu máy, toa xe đường sắt đô thị được giao quản lý.
- Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải có đầy đủ các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Hoạt động đường sắt đô thị
Đường sắt đô thị xây dựng xong có được sử dụng ngay không?
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 32/2020/TT-BGTVT quy định về việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị như sau:
Đường sắt đô thị xây dựng mới trước khi đưa vào khai thác phải được Tổ chức chứng nhận đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, Cục Đường sắt Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống.
* Về trình tự thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống khi xây dựng mới được quy định tại Điều 8 Thông tư 31/2018/TT-BGTVT như sau:
- Chủ đầu tư xây dựng các quy định kỹ thuật của gói thầu đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Căn cứ quy định kỹ thuật, Tổ chức chứng nhận xây dựng Đề cương đánh giá, chứng nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư này.
- Tổ chức chứng nhận thực hiện theo Đề cương đánh giá, chứng nhận đã được phê duyệt. Căn cứ theo kế hoạch nêu trong đề cương và tiến độ thực tế của dự án, Tổ chức chứng nhận gửi báo cáo đánh giá định kỳ hoặc báo cáo đánh giá các hạng mục ngay sau khi hoàn thành công việc cho Chủ đầu tư và các bên liên quan.
- Sau khi hoàn thành và kết thúc toàn bộ công việc theo Đề cương đánh giá, chứng nhận, Tổ chức chứng nhận lập báo cáo đánh giá cuối cùng, cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống.
* Về trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống được quy định tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 2 Thông tư 32/2020/TT-BGTVT như sau:
- Hồ sơ thẩm định bao gồm:
+ Giấy đề nghị thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Bản sao hợp lệ Đề cương đánh giá, chứng nhận và các phiên bản cập nhật sửa đổi đã được Chủ đầu tư phê duyệt;
+ Các báo cáo đánh giá có xác nhận của Chủ đầu tư và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận.
Thời điểm nộp hồ sơ: toàn bộ hồ sơ được nộp sau khi Tổ chức chứng nhận hoàn thành hồ sơ đánh giá.
Cách thức nộp hồ sơ: Chủ đầu tư nộp hồ sơ thẩm định trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Đường sắt Việt Nam.
- Trình tự thẩm định:
+ Chủ đầu tư lập 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 10 gửi Cục Đường sắt Việt Nam, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, Cục Đường sắt Việt Nam có thông báo tiếp nhận hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này; đồng thời sao gửi hồ sơ tới Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam.
+ Các Cục tiếp nhận hồ sơ tiến hành thẩm định theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này, sau hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi Thông báo kết quả thẩm định theo mẫu tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này đến Cục Đường sắt Việt Nam.
+ Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được các Thông báo kết quả thẩm định, nếu kết quả thẩm định đạt yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp kết quả thẩm định không đạt yêu cầu, Cục Đường sắt Việt Nam tổng hợp kết quả thẩm định chuyển cho Chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện.
Sau khi đường sắt đô thị được vận hành thì có phải thực hiện kiểm tra nữa không?
Theo khoản 5 Điều 2 Thông tư 32/2020/TT-BGTVT quy định về hệ thống quản lý an toàn vận hành như sau:
Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn và được Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, chứng nhận định kỳ trong quá trình khai thác.
Theo đó, việc kiểm tra, chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành được quy định tại Điều 13 Thông tư 31/2018/TT-BGTVT như sau:
- Sau 36 tháng, kể từ ngày tuyến đường sắt đô thị xây dựng mới được đưa vào vận hành, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được kiểm tra, chứng nhận định kỳ lần đầu. Trước khi kết thúc thời hạn 36 tháng ít nhất 02 tháng, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận định kỳ.
- Trước khi Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành hết hiệu lực ít nhất 02 tháng, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận định kỳ.
Như vậy, kinh doanh đường sắt đô thị là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên khi thực hiện hoạt động này, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đối với đường sắt đô thị xây dựng mới trước khi đưa vào khai thác phải được. Tổ chức chứng nhận đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, Cục Đường sắt Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống.
Trường hợp đường sắt đã được vận hành thì doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải có trách nhiệm xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn và được Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, chứng nhận định kỳ trong quá trình khai thác theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.