Được tạm đình chỉ chấp hành án tối đa bao nhiêu năm với phạm nhân là lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình?
- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân không?
- Phạm nhân là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình được tạm đình chỉ chấp hành án tối đa bao nhiêu năm?
- Phạm nhân là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình để được tạm đình chỉ chấp hành án cần những điều kiện gì?
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT quy định như sau:
Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam đó.
2. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện do Công an cấp tỉnh quản lý.
3. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc quân khu quản lý.
4. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.
Theo quy định về thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.
Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Hình từ Internet)
Phạm nhân là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình được tạm đình chỉ chấp hành án tối đa bao nhiêu năm?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT quy định như sau:
Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Phạm nhân bị bệnh nặng được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.
2. Phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
3. Phạm nhân là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là một năm.
Theo quy định trên, phạm nhân là lao động duy nhất trong gia đình được tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là một năm.
Phạm nhân là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình để được tạm đình chỉ chấp hành án cần những điều kiện gì?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT quy định như sau:
Điều kiện có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
...
c) Phạm nhân là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình, nếu họ tiếp tục chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt (không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng những người thân thích là người già, trẻ em hoặc những người khác không có khả năng lao động trong gia đình họ), trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Phạm nhân bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng và do nhu cầu công vụ, cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định.
2. Phạm nhân thuộc các trường hợp đã quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này, nếu bị kết án về các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, chỉ được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Phạm nhân thuộc các trường hợp đã quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này, nếu bị kết án về các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bị kết án tù chung thân mà chưa được giảm xuống tù có thời hạn, chỉ được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo đó, phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nếu họ tiếp tục chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt (không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng những người thân thích là người già, trẻ em hoặc những người khác không có khả năng lao động trong gia đình họ), trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.