Đóng BHXH ở công ty mẹ thì người lao động có được đăng ký nơi khám chữa bệnh theo nơi làm việc không ?
Đóng BHXH ở công ty mẹ thì người lao động có được đăng ký nơi khám chữa bệnh theo nơi làm việc không ?
Phương thức đóng bảo hiểm xã hội theo địa bàn được quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định 888/QĐ-BHXH năm 2018) như sau:
Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
...
3. Đóng theo địa bàn
3.1. Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh.
3.2. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ.
...
Căn cứ quy định trên thì có thể xác định về nguyên tắc, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị có trụ sở chính; đối với người lao động làm việc tại chi nhánh thì có thể lựa chọn đóng tại địa bàn đó hoặc đóng tại công ty mẹ.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định đối với các văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng bảo hiểm xã hội tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ.
Bên cạnh đó, theo Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã, tuyến huyện như sau:
Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã, tuyến huyện
Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Căn cứ các quy định trên thì đối với trường hợp trụ sở Công ty ở TP.HCM và Chi nhánh công ty ở Quảng Ngãi thì việc Công ty đóng bảo hiểm xã hội cho các nhân viên (làm việc tại chi nhánh ở Quảng Ngãi) tại cơ quan bảo hiểm xã hội ở TP.HCM là phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, có thể đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu cho các nhân viên này ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc tuyến huyện tại Đà Nẵng để thuận tiện cho việc khám, chữa bệnh.
Do đó, chị được quyền lựa chọn đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu phù hợp với nhu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã, tuyến huyện mà không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trừ các trường hợp do Bộ Y tế quy định).
Đóng BHXH ở công ty mẹ thì người lao động có được đăng ký nơi khám chữa bệnh theo nơi làm việc không ? (Hình từ Internet)
Có được thay đổi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đã đăng ký hay không?
Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:
Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.
3. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế của người lao động là khoản tiền nào?
Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) như sau:
Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế
1. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
2. Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
3. Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
4. Đối với các đối tượng khác thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là mức lương cơ sở.
5. Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế của người lao động là tiền lương được ghi trong hợp đồng lao động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.