Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế có bắt buộc phải có bảo lãnh hay không? Nếu có thì mức bảo lãnh tối thiểu là bao nhiêu?
- Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế có bắt buộc phải có bảo lãnh hay không? Nếu có thì mức bảo lãnh tối thiểu là bao nhiêu?
- Kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không đáp ứng được những điều kiện quy định thì doanh nghiệp bị xử phạt thế nào?
- Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải được quyền xử phạt doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không đáp ứng được những điều kiện quy định không?
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế có bắt buộc phải có bảo lãnh hay không? Nếu có thì mức bảo lãnh tối thiểu là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 160/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 3 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện chung về kinh doanh vận tải biển như sau:
Điều kiện chung về kinh doanh vận tải biển
Là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập theo quy định của pháp luật (sau đây viết tắt là doanh nghiệp).
Theo Điều 5 Nghị định 160/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế như sau:
Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế
Ngoài quy định tại Điều 4 Nghị định này, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Điều kiện về tài chính: Phải có bảo lãnh theo quy định của pháp luật với mức tối thiểu là 05 (năm) tỷ Đồng Việt Nam hoặc mua bảo hiểm để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định.
2. Điều kiện về tàu thuyền: Có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển; nếu tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
3. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thiết lập hoặc thuê tổ chức bộ máy và nhân lực như sau:
a) Về tổ chức bộ máy, gồm: Bộ phận quản lý an toàn theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn (ISM Code); bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code);
b) Về nhân lực: Người được giao phụ trách lĩnh vực quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế không bắt buộc phải có bảo lãnh.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn giữa việc có bảo lãnh hoặc mua bảo hiểm để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định.
Nếu doanh nghiệp lựa chọn có bảo lãnh thì mức bảo lãnh tối thiểu là 05 (năm) tỷ Đồng Việt Nam.
Kinh doanh vận tải biển quốc tế (Hình từ Internet)
Kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không đáp ứng được những điều kiện quy định thì doanh nghiệp bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 2, điểm a khoản 5 Điều 46 Nghị định 142/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển như sau:
Vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển
...
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh vận tải đa phương thức không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định;
b) Kinh doanh dịch vụ vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định.
...
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
b) Tịch thu giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.
Theo Điều 5 Nghị định 142/2017/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định mức phạt tiền như sau:
Nguyên tắc xác định mức phạt tiền
Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không đáp ứng được những điều kiện quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm.
Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải được quyền xử phạt doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không đáp ứng được những điều kiện quy định không?
Căn cứ khoản 1 Điều 60 Nghị định 142/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a khoản 36 Điều 1 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của thanh tra như sau:
Thẩm quyền của Thanh tra
1. Thanh tra viên thuộc thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế nhưng không đáp ứng được những điều kiện quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000 đồng nên Thanh tra viên chuyên ngành hàng hải không được quyền xử phạt doanh nghiệp này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.