Doanh nghiệp đã đăng ký giá đối với hàng hóa là phân NPK nhưng cố tình tăng gia bán sẽ bị xử phạt như thế nào?
Phân NPK có thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá hay không?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP có quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như sau:
"Điều 3. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá
1. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Điều 15 của Luật Giá, bao gồm:
a) Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm: xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hỏa, dầu điêzen, dầu mazut;
b) Điện bán lẻ;
c) Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG);
d) Phân đạm urê; phân NPK;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ;
e) Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;
g) Muối ăn;
h) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi;
i) Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;
k) Thóc, gạo tẻ thường;
l) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh."
Theo đó, phân NPK là một trong những hàng hóa thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá theo quy định của nhà nước.
Doanh nghiệp kinh doanh phân NPK có cần phải đăng ký giá với cơ quan nhà nước hay không?
Doanh nghiệp kinh doanh phân NPK có cần phải đăng ký giá với cơ quan nhà nước hay không?
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 177/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP về đăng ký giá có quy định như sau:
“Điều 6. Đăng ký giá
1. Trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá đối với mặt hàng cụ thể thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện đăng ký giá bắt đầu từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đăng ký giá có hiệu lực và trước khi định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ bằng việc lập Biểu mẫu đăng ký giá gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các trường hợp thực hiện đăng ký giá gồm:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ thực hiện bán buôn thì đăng ký giá bán buôn;
b) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện bán buôn, vừa thực hiện bán lẻ thì đăng ký cả giá bán buôn và giá bán lẻ;
c) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là đơn vị nhập khẩu, đồng thời là nhà phân phối độc quyền thì đăng ký giá bán buôn và giá bán lẻ dự kiến;
d) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là nhà phân phối độc quyền thì đăng ký giá bán buôn, giá bán lẻ hoặc giá bán lẻ dự kiến; tổng đại lý có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá thì đăng ký giá bán buôn, giá bán lẻ hoặc giá bán lẻ dự kiến; đại lý có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá thì thực hiện đăng ký giá bán lẻ;
đ) Việc đăng ký giá bán đối với mặt hàng muối ăn, thóc, gạo tẻ thường do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng muối ăn, thóc, gạo tẻ thường (không bao gồm nông dân và diêm dân) thực hiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mua trực tiếp muối ăn của diêm dân; thóc, gạo tẻ thường của nông dân thì phải đăng ký giá mua muối ăn của diêm dân; giá mua thóc, gạo tẻ thường của nông dân."
Như vậy, doanh nghiệp của bạn hiện đang kinh doanh phân NPK thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá, do đó doanh nghiệp bạn cần tiến hành đăng ký giá theo quy định của pháp luật.
Bạn có thể đối chiếu với các quy định tại khoản 1 Điều 6 trên đây để xác định nội dung cụ thể cần tiến hành đăng ký giá là gì.
Doanh nghiệp tăng giá bán hàng hóa cao hơn so với giá đã đăng ký sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP có quy định về hình thức xử phạt đối với hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau:
"Điều 13. Hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:
a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều này."
Như vậy, theo quy định trên thì có thể hiểu nếu như việc tăng giá bán bất hợp lý cao hơn mức giá đã đăng ký thì có thể sẽ bị xử phạt theo quy định trên và tùy vào tổng giá trị hàng hóa bán được mà mức xử phạt sẽ khác nhau.
Vì mức phạt áp dụng đối với tổ chức gấp đôi so với mức phạt áp dụng đối với cá nhân (theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP) nên doanh nghiệp bạn có thể bị phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 110 triệu đồng.
Đồng thời có thể áp dụng biện pháp khắc phụ hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.