Điều kiện lưu thông bình chứa gas (chai LPG) trên thị trường là gì? Kinh doanh chai LPG thì có các quyền và nghĩa vụ gì?
Kinh doanh chai LPG (Bình chứa gas) thì phải tuân thủ điều kiện gì để chai LPG được lưu thông trên thị trường?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 87/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện chai LPG được lưu thông trên thị trường như sau:
"Điều 16. Điều kiện chai LPG, LPG chai, LPG chai mini lưu thông trên thị trường
1. Điều kiện đối với chai LPG:
a) Chai LPG trước khi lưu thông trên thị trường phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, chứng nhận hợp quy theo quy định của pháp luật;
b) Phải đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thực hiện kiểm định định kỳ theo quy định;
c) Có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ của nhà sản xuất theo quy định.
2. Điều kiện đối với LPG chai, LPG chai mini:
a) Đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Khối lượng, chất lượng LPG trong chai phù hợp với nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng thương nhân đã công bố, được niêm phong đúng quy cách."
Theo đó đối với bình chứa gas (chai LPG) thì phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, chứng nhận hợp quy theo quy định của pháp luật; đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với chai LPG được quy định tại Chương II QCVN 04:2013/BCT (ban hành kèm Thông tư 18/2013/TT-BCT)
Điều kiện lưu thông bình chứa gas (chai LPG) trên thị trường là gì? Kinh doanh chai LPG thì có các quyền và nghĩa vụ gì? (Hình từ Internet)
Kinh doanh chai LPG thì có các quyền và nghĩa vụ gì?
Hiện nay chưa có quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh chai LPG, vì vậy khi kinh doanh thương nhân phải đáp ứng các điều kiện chung đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí được quy định tại Điều 22 Nghị định 87/2018/NĐ-CP như sau:
- Có các quyền và nghĩa vụ như thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí quy định từ khoản 3 đến khoản 16 Điều 20 Nghị định này.
- Thực hiện chế độ ghi chép hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.
- Ký hợp đồng mua bán khí với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân kinh doanh mua bán khí có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực hoặc thương nhân sản xuất, chế biến khí.
- Trước 15 tháng 12 hàng năm có trách nhiệm báo cáo hệ thống phân phối, nhãn hiệu hàng hóa và hoạt động mua bán khí trên thị trường đến Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính.
Theo đó quy định từ khoản 3 đến khoản 16 Điều 20 Nghị định này như sau:
"Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG/LNG/CNG
...
3. Được tổ chức mua, bán LPG/LNG/CNG và LPG chai theo hợp đồng với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và khách hàng công nghiệp.
4. Quy định giá bán LPG/LNG/CNG và LPG chai cho thương nhân thuộc hệ thống mình quản lý.
5. Tổ chức thực hiện dịch vụ và cung ứng các dịch vụ cho thuê: kho chứa, cảng xuất, nhập, giao nhận, phương tiện vận chuyển LPG/LNG/CNG.
6. Được thiết lập hệ thống phân phối kinh doanh khí theo quy định của Luật thương mại.
7. Kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối do thương nhân quản lý tuân thủ các quy định của Nghị định này.
8. Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của hệ thống phân phối do thương nhân quản lý trong hoạt động kinh doanh khí theo quy định của pháp luật.
9. Quản lý số lượng chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân.
10. Tổ chức bán lẻ LPG và LPG chai trong hệ thống phân phối do thương nhân quản lý, bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng và niêm yết công khai giá bán lẻ.
11. Thực hiện kiểm định theo quy định các chai LPG, bồn chứa LPG/LNG/CNG; thiết bị phụ trợ dùng LPG, thiết bị phụ trợ kinh doanh LNG/CNG thuộc sở hữu thương nhân.
12. Kiểm tra chất lượng, bảo dưỡng và thay thế các chai LPG, thiết bị phụ trợ dùng LPG/LNG/CNG, bảo đảm an toàn cho khách hàng sử dụng.
13. Phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng đối với sản phẩm khí.
14. Thông báo bằng văn bản tới các đơn vị trong hệ thống phân phối và Sở Công Thương, Sở Tài chính nơi có hệ thống phân phối của thương nhân khi có sự thay đổi về giá bán LPG.
15. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
16. Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn, phòng cháy và chữa cháy, quản lý đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh khí quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
..."
Kinh doanh chai LPG không đạt tiêu chuẩn thì bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với trường hợp kinh doanh chai LPG sai quy định như sau:
"Điều 36. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG kinh doanh LPG chai có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đưa vào lưu thông chai LPG thuộc sở hữu hoặc chai LPG thuê theo hợp đồng không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường;
b) Không có chai LPG hoặc hợp đồng thuê chai LPG theo quy định.
...
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
...
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này
...
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi chai LPG không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
..."
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2020/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.