Dịch vụ bưu chính công ích là gì? Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện như thế nào? Do ai hỗ trợ và chỉ định?
Dịch vụ bưu chính công ích là gì?
Theo khoản 4 Điều 3 Luật Bưu chính 2010 định nghĩa dịch vụ bưu chính công ích như sau: Dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ bưu chính được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác.
Hoạt động bưu chính công ích gồm những nguyên tắc nào?
Nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích được quy định tại Điều 31 Luật Bưu chính 2010 như sau:
- Bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính thiết yếu cho xã hội với chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bưu chính và giá cước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.
- Giảm dần theo lộ trình sự điều tiết hỗ trợ của Nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
Dịch vụ bưu chính công ích là gì?
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích do ai hỗ trợ và chỉ định?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Bưu chính 2010 quy định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích như sau:
- Nhà nước hỗ trợ việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thông qua phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ khác.
- Thủ tướng Chính phủ chỉ định doanh nghiệp bưu chính của Nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao.
- Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích quy định tại khoản 2 điều này thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính dành riêng, gồm dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg) với mức giá cước theo quy định của pháp luật.
- Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng giảm dần căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này.
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện quyền và nghĩa vụ gì?
Tại Điều 33 Luật Bưu chính 2010, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được quy định cụ thể:
Ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 29 của Luật này, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Thiết lập mạng bưu chính công cộng trong phạm vi cả nước để cung ứng dịch vụ bưu chính trong nước và quốc tế; lắp đặt thùng thư công cộng để chấp nhận thư cơ bản;
- Bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và thực hiện các nhiệm vụ công ích khác do Nhà nước giao theo danh mục, phạm vi, giá cước, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;
- Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án giá cước dịch vụ bưu chính do Nhà nước quy định;
- Kiểm tra, sửa chữa, bảo trì, bảo vệ công trình thuộc mạng bưu chính công cộng;
- Sử dụng phương tiện vận tải chuyên ngành đi, đến, đỗ trong đô thị để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo quy định ưu tiên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương;
- Không sử dụng doanh thu từ các dịch vụ bưu chính dành riêng để trợ cấp cho các khoản lỗ do việc cung ứng các dịch vụ cạnh tranh khác dưới giá thành;
- Theo dõi riêng các dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính dành riêng và báo cáo kết quả cung ứng các dịch vụ này với Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Sản xuất, cung ứng tem Bưu chính Việt Nam;
- Sử dụng hiệu quả mạng bưu chính công cộng để kinh doanh dịch vụ tài chính, tiết kiệm, chuyển tiền, phát hành báo chí và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;
- Không được từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính công ích khi người sử dụng đã thực hiện các yêu cầu về sử dụng dịch vụ.
Như vậy, trên đây là các quy định về khái niệm dịch vụ bưu chính công ích, nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, quyền và nghĩa của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được quy định cụ thể tại Luật Bưu chính 2010.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.