Để xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường đất bị ô nhiễm, suy thoái thì cần thu thập những dữ liệu, chứng cứ gì?
Để xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường đất bị ô nhiễm, suy thoái thì cần thu thập những dữ liệu, chứng cứ gì?
Tại Điều 116 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Theo đó, dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường đất bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm:
- Thông tin, dữ liệu hiện trạng môi trường khu vực trước khi xảy ra ô nhiễm, suy thoái môi trường;
- Quyết định, giấy phép, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định việc sử dụng hoặc phê duyệt quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường đất tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
- Kết quả quan trắc; điều tra; thanh tra; kiểm tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan đến môi trường đất tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
- Các thông tin, tài liệu, bản đồ, số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý, sử dụng đất và tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến chất lượng đất, tiềm năng đất đai tại khu vực cần xác định ô nhiễm;
- Diện tích, thể tích, khối lượng đất bị ô nhiễm;
- Chất gây ô nhiễm và hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong đất;
- Dữ liệu, chứng cứ khác có liên quan.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
Để xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường đất bị ô nhiễm, suy thoái thì cần thu thập những dữ liệu, chứng cứ gì? (Hình từ Internet)
Khu vực ô nhiễm môi trường đất được phân loại trên cơ sở như thế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT thì khu vực ô nhiễm môi trường đất được phân loại trên cơ sở tiêu chí về nguồn ô nhiễm tồn lưu, khả năng lan truyền ô nhiễm và đối tượng bị tác động.
Ngoài ra, việc xác định mức độ ô nhiễm căn cứ vào tổng điểm đánh giá của các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
Khu vực ô nhiễm môi trường đất được phân loại theo một trong ba mức độ sau:
- Mức độ ô nhiễm khi khu vực ô nhiễm có tổng điểm đánh giá các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT đạt dưới 40 điểm;
- Mức độ ô nhiễm nghiêm trọng khi khu vực ô nhiễm có tổng điểm đánh giá các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT đạt từ 40 điểm đến 75 điểm;
- Mức độ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng khi khu vực ô nhiễm có tổng điểm đánh giá các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT đạt trên 75 điểm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ môi trường đất?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường đất như sau:
- Quy định chi tiết tiêu chí xác định, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất theo mức độ ô nhiễm;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Bảo vệ môi trường 2020; tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất;
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Bảo vệ môi trường 2020;
- Tổng hợp danh mục các khu vực ô nhiễm môi trường đất; xây dựng, cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về các khu vực ô nhiễm môi trường đất trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 68/2022/NĐ-CP thì vị trí, chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.