Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn những ai tại kỳ họp Quốc hội? Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo trình tự nào?
Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn những ai tại kỳ họp Quốc hội?
Căn cứ vào Điều 50 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định về chất vấn của đại biểu Quốc hội như sau:
Chất vấn của đại biểu Quốc hội
1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 của Luật này.
2. Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn.
3. Trình tự chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 26 của Luật này, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trường hợp đại biểu Quốc hội gửi chất vấn trực tiếp bằng văn bản đến người bị chất vấn thì chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, người bị chất vấn phải trả lời bằng văn bản cho người chất vấn, đồng thời gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, Điều 4 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định như sau:
Thẩm quyền giám sát của Quốc hội
...
đ) Đại biểu Quốc hội chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại các bộ, ngành, địa phương khi có yêu cầu.
...
Như vậy, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn các đối tượng sau tại kỳ họp Quốc hội bằng việc chất vấn trực tiếp hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn:
+ Chủ tịch nước;
+ Chủ tịch Quốc hội;
+ Thủ tướng Chính phủ;
+ Bộ trưởng;
+ Thành viên khác của Chính phủ;
+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Tổng Kiểm toán nhà nước.
Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn những ai tại kỳ họp Quốc hội?
(Hình từ Internet)
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo trình tự nào?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội như sau:
- Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể;
- Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có);
- Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời;
- Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
- Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp nào?
Căn cứ vào khoản 4 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định như sau:
Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:
a) Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp;
b) Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh;
c) Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.
Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
Như vậy, Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau:
- Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp;
- Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh;
- Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.