Công ty tạo ra sơn màu từ hoạt động pha trộn hóa chất có phải là việc sản xuất hóa chất hay không?
Công ty tạo ra sơn màu từ hoạt động pha trộn hóa chất có phải là việc sản xuất hóa chất hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 8 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, sản xuất hóa chất được quy định như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Sản xuất hóa chất là hoạt động tạo ra hóa chất thông qua các phản ứng hóa học, quá trình sinh hóa hoặc quá trình hóa lý, vật lý như trích ly, cô đặc, pha loãng, phối trộn và quá trình hóa lý, vật lý khác không bao gồm hoạt động phát thải hóa chất không chủ đích.”
Dựa vào quy định trên, có thể thấy việc công ty bạn tạo ra hóa chất thông qua quá trình vật lý, cụ thể là pha trộn trộn các hóa chất khác nhau lại với nhau có thể được xem là quá trình sản xuất hóa chất.
Công ty tạo ra sơn màu từ hoạt động pha trộn hóa chất có phải là việc sản xuất hóa chất hay không? (Hình từ Internet)
Nhà xưởng sản xuất hóa chất cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất hóa chất được quy định như sau:
"Điều 4. Yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa
1. Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.
2. Nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
3. Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió.
4. Hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất. Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa có hóa chất dễ cháy, nổ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ.
5. Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt.
6. Nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy. Các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất phải có các thông tin: Mã nhận dạng hóa chất; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì hình đồ cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
7. Nhà xưởng, kho chứa phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định hiện hành.
8. Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp phòng chống cháy nổ, chống sét.
9. Nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan."
Công ty sản xuất hóa chất là sơn màu và các chất tẩy màu sơn có thuộc nhóm sản xuất hóa chất có điều kiện hay không?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, hóa chất sản xuất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được quy định như sau:
"Điều 8. Hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp
Hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm:
1. Chất có trong Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
2. Hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục I và hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục II mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 14 của Nghị định này được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này thuộc ít nhất một trong các nhóm phân loại sau đây:
a) Nguy hại vật chất cấp 1, 2, 3 hoặc kiểu A, B, C và D;
b) Độc cấp tính (theo các đường phơi nhiễm khác nhau) cấp 2, 3;
c) Tổn thương nghiêm trọng, kích ứng mắt cấp 1, 2/2A;
d) Ăn mòn, kích ứng da cấp 1, cấp 2;
đ) Tác nhân gây ung thư, đột biến tế bào mầm, độc tính sinh sản cấp 2;
e) Nguy hại môi trường cấp 1."
Như vậy, bạn có thể đối chiếu các quy định tại Điều này, Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP và những loại sơn màu, hóa chất tẩy màu sơn cụ thể ở công ty bạn để xác định chính xác đây có phải là hóa chất thuộc nhóm sản xuất có điều kiện hay không.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.