Công ty Luật không có mức vốn điều lệ thì theo quy định pháp luật mức đóng lệ phí môn bài là bao nhiêu?
Đối tượng nào phải nộp lệ phí môn bài?
Tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định người nộp lệ phí môn bài như sau:
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mức đóng lệ phí môn bài
Hình thức, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư
Tại Điều 32 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) quy định hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư như sau:
- Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:
+ Văn phòng luật sư;
+ Công ty luật.
- Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư:
+ Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;
+ Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.
- Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.
- Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, các luật sư thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư phải chuyển về gia nhập Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 20 của Luật này.
Mức thu lệ phí môn bài được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định như sau:
- Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo hướng dẫn tại Công văn 6744/CT-TTHT năm 2017 về việc vướng mắc mức thu lệ phí môn bài do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành:
"[...]
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty luật TNHH Tôi yêu luật là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực luật sư không đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh được gọi là tổ chức kinh tế. Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức kinh tế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ là 1.000.000 đồng/năm."
Như vậy trong Nghị định không nói rõ, tuy nhiên theo hướng dẫn tại công văn trên thì công ty Luật là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực luật sư không đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh được gọi là tổ chức kinh tế. Mức thu lệ phí môn bài là 1 triệu đồng/năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.