Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu gồm những cơ quan nào? Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu là gì?
Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu gồm những cơ quan nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 183/2019/TT-BQP về cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu như sau:
Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
1. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, gồm:
a) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu là Phòng Điều tra hình sự quân khu;
b) Cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3 là Phòng Điều tra hình sự Quân đoàn 3;
c) Cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội là Phòng Quản lý giam giữ và Thi hành án hình sự thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
2. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, gồm:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng;
b) Cán bộ thi hành án hình sự.
3. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu sử dụng con dấu với tên gọi: “Quân khu (Quân đoàn) - Cơ quan thi hành án hình sự”; Phòng Quản lý giam giữ và Thi hành án hình sự sử dụng con dấu với tên gọi: “Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng - Cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội”.
Như vậy, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu bao gồm:
- Cơ quan thi hành án hình sự quân khu là Phòng Điều tra hình sự quân khu;
- Cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3 là Phòng Điều tra hình sự Quân đoàn 3;
- Cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội là Phòng Quản lý giam giữ và Thi hành án hình sự thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu gồm những cơ quan nào? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu là gì?
Căn cứ vào Điều 15 Luật Thi hành án Hình sự 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
1. Giúp Tư lệnh quân khu quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án hình sự trên địa bàn quân khu và tương đương:
a) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành án hình sự;
b) Quản lý trại giam thuộc quân khu;
c) Tổng kết công tác thi hành án hình sự và thực hiện thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án; hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định; lập hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại.
3. Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân và rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, buộc người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ và buộc người đó phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành, trưng cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật.
4. Áp giải thi hành án đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ, người bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, người bị Tòa án hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
5. Tham gia thi hành án tử hình; quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này.
6. Ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt người chấp hành án bỏ trốn.
7. Quyết định trích xuất hoặc thực hiện lệnh trích xuất theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
8. Tổ chức thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Luật này.
9. Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp theo thẩm quyền.
10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự theo quy định của Luật này và Luật Tố cáo.
11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
Ngoài 11 nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên thì anh có thể tham khảo thêm tại Điều 6 Thông tư 183/2019/TT-BQP có quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
1. Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 15 Luật Thi hành án hình sự. Phạm vi nhiệm vụ giữa các cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được phân định như sau:
a) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự của Tòa án quân sự trên địa bàn quân khu; tiếp nhận, quản lý hồ sơ và tổ chức thi hành đối với những trường hợp do cơ quan thi hành án hình sự khác chuyển đến theo quy định, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ của cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3;
b) Cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3 tổ chức thi hành quyết định thi hành án của Tòa án quân sự về thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù khi người bị kết án đang bị giam giữ tại trại tạm giam quân đoàn; quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án phạt tù đối với người bị kết án đang tại ngoại, thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ khi người bị kết án đang làm việc hoặc được giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc quân đoàn quản lý;
c) Cơ quan thi hành án hình sự Thủ đô Hà Nội tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự của Tòa án quân sự trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ của cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn 3.
2. Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ đối với lực lượng được giao nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp thuộc quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 15 Luật Thi hành án Hình sự 2019. Phạm vi nhiệm vụ giữa các cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được phân định như Điều 6 Thông tư 183/2019/TT-BQP nêu trên.
Hiện nay có các cơ quan thi hành án hình sự nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Luật Thi hành án Hình sự 2019 về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự như sau:
Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự
1. Cơ quan quản lý thi hành án hình sự bao gồm:
a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;
b) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Cơ quan thi hành án hình sự bao gồm:
a) Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam);
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh);
c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện);
d) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).
3. Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm:
a) Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam);
b) Ủy ban nhân dân cấp xã;
c) Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội).
4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự.
Như vậy, hiện tại có các cơ quan thi hành án hình sự như sau:
+ Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam);
+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh);
+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện);
+ Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.