Chỉ được áp dụng biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ khi nào?
Ngoài biện pháp chống bán phá giá thì còn những biện pháp phòng vệ thương mại nào?
Căn cứ quy định tại Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017 về các biện pháp phòng vệ thương mại như sau:
Các biện pháp phòng vệ thương mại
1. Các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
2. Chính phủ quy định chi tiết cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại (sau đây gọi là điều tra); áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; xác định trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về bên liên quan trong vụ việc điều tra, hoạt động cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu và bảo mật thông tin, tài liệu; tiếng nói, chữ viết trong quá trình điều tra; quản lý nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; các trường hợp miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Chiếu theo quy định trên, ngoài biện pháp chống bán phá giá, còn những biện pháp phòng vệ thương mại sau:
- Biện pháp chống trợ cấp;
- Biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
Chỉ được áp dụng biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ khi nào? (Hình từ Internet)
Chỉ được áp dụng biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ khi nào?
Chỉ được áp dụng biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ khi nào thì tại Điều 68 Luật Quản lý ngoại thương 2017 có quy định về nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như sau:
Nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
1. Áp dụng trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
2. Chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra.
3. Công bố công khai các quyết định về việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
4. Không thu khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức cao hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời.
5. Hoàn lại khoản chênh lệnh về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức thấp hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời.
6. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức thì thuế phòng vệ thương mại tạm thời đã thu hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế phòng vệ thương mại tạm thời phải được hoàn lại.
Như vậy, chỉ được áp dụng biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra.
Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá là gì?
Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá được quy định tại Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:
(1) Biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản (2);
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
- Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá quy định tại điểm a khoản này với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017.
(2) Không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
(3) Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.