Cháu ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng bà ngoại không có người chăm sóc không? Cha mẹ mất, anh có phải nuôi dưỡng em hay không?
Cháu ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng bà ngoại không có người chăm sóc không?
Căn cứ theo Điều 104 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu như sau:
"Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
2. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng."
Người thành niên được quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này."
Theo đó, trường hợp ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Như vậy, trường hợp bạn đã 25 tuổi được coi là người thành niên, mẹ bạn là con một nhưng đã mất, bà ngoại không có con để nuôi dưỡng thì bạn là cháu có nghĩa vụ nuôi dưỡng bà ngoại.
Nuôi dưỡng
Cha mẹ mất thì anh trai có nghĩa vụ nuôi dưỡng em đúng không?
Căn cứ Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em như sau:
"Điều 105. Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em
Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con."
Căn cứ quy định Điều 112 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em như sau:
"Điều 112. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em
Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình."
Tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:
"Điều 21. Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý."
Theo đó anh, chị, em có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ.
Như bạn trình bày cả bố và mẹ bạn đều đã mất, em bạn mới 12 tuổi là người chưa thành niên thì bạn và em bạn có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng nhau.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn không sống chung với em bạn và em bạn không có tài sản để nuôi bản thân thì bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em bạn.
Trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa ông bà và cháu bị xử lý ra sao?
Theo điểm a khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:
"Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này."
Theo đó, nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.