Các khoản phải thu của doanh nghiệp được theo dõi thế nào? Nguyên tắc phân loại các khoản phải thu?
Các khoản phải thu của doanh nghiệp được theo dõi thế nào?
Việc theo dõi các khoản phải thu của doanh nghiệp được quy định tại Điều 17 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:
Nguyên tắc kế toán các khoản phải thu
1. Các khoản phải thu được theo dõi chi tiết theo kỳ hạn phải thu, đối tượng phải thu, loại nguyên tệ phải thu và các yếu tố khác theo nhu cầu quản lý của doanh nghiệp.
...
3. Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán căn cứ kỳ hạn còn lại của các khoản phải thu để phân loại là dài hạn hoặc ngắn hạn. Các chỉ tiêu phải thu của Bảng cân đối kế toán có thể bao gồm cả các khoản được phản ánh ở các tài khoản khác ngoài các tài khoản phải thu, như: Khoản cho vay được phản ánh ở TK 1283; Khoản ký quỹ, ký cược phản ánh ở TK 244, khoản tạm ứng ở TK 141… Việc xác định các khoản cần lập dự phòng phải thu khó đòi được căn cứ vào các khoản mục được phân loại là phải thu ngắn hạn, dài hạn của Bảng cân đối kế toán.
4. Kế toán phải xác định các khoản phải thu thỏa mãn định nghĩa của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (được hướng dẫn chi tiết ở tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái) để đánh giá lại cuối kỳ khi lập Báo cáo tài chính.
Theo đó, các khoản phải thu của doanh nghiệp được theo dõi chi tiết theo kỳ hạn phải thu, đối tượng phải thu, loại nguyên tệ phải thu và các yếu tố khác theo nhu cầu quản lý của doanh nghiệp.
Lưu ý:
- Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán căn cứ kỳ hạn còn lại của các khoản phải thu để phân loại là dài hạn hoặc ngắn hạn.
- Kế toán phải xác định các khoản phải thu thỏa mãn định nghĩa của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (được hướng dẫn chi tiết ở tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái) để đánh giá lại cuối kỳ khi lập Báo cáo tài chính.
Các khoản phải thu của doanh nghiệp được theo dõi thế nào? (Hình từ Internet)
Việc phân loại các khoản phải thu của doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 200/2014/TT-BTC về nguyên tắc kế toán các khoản phải thu thì việc phân loại các khoản phải thu là phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, phải thu khác được thực hiện theo các nguyên tắc cụ thể như sau:
(1) Phải thu của khách hàng gồm các khoản phải thu mang tính chất thương mại phát sinh từ giao dịch có tính chất mua – bán, như: Phải thu về bán hàng, cung cấp dịch vụ, thanh lý, nhượng bán tài sản (TSCĐ, BĐSĐT, các khoản đầu tư tài chính) giữa doanh nghiệp và người mua (là đơn vị độc lập với người bán, gồm cả các khoản phải thu giữa công ty mẹ và công ty con, liên doanh, liên kết).
Khoản phải thu này gồm cả các khoản phải thu về tiền bán hàng xuất khẩu của bên giao ủy thác thông qua bên nhận ủy thác;
(2) Phải thu nội bộ gồm các khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc;
(3) Phải thu khác gồm các khoản phải thu không có tính thương mại, không liên quan đến giao dịch mua - bán, như:
- Các khoản phải thu tạo ra doanh thu hoạt động tài chính, như: khoản phải thu về lãi cho vay, tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia;
- Các khoản chi hộ bên thứ ba được quyền nhận lại; Các khoản bên nhận ủy thác xuất khẩu phải thu hộ cho bên giao ủy thác;
- Các khoản phải thu không mang tính thương mại như cho mượn tài sản, phải thu về tiền phạt, bồi thường, tài sản thiếu chờ xử lý…
Các khoản phải thu của doanh nghiệp có phải là đối tượng kế toán không?
Đối tượng kế toán được quy định tại Điều 8 Luật Kế toán 2015 như sau:
Đối tượng kế toán
...
3. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh, trừ hoạt động quy định tại khoản 4 Điều này, gồm:
a) Tài sản;
b) Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;
c) Doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập và chi phí khác;
d) Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước;
đ) Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;
e) Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.
4. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính gồm:
a) Các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Các khoản đầu tư tài chính, tín dụng;
c) Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán;
d) Các khoản cam kết, bảo lãnh, giấy tờ có giá.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định:
Giải thích từ ngữ
1. Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh bao gồm doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; ban quản lý dự án, đơn vị khác có tư cách pháp nhân do doanh nghiệp thành lập.
...
Theo đó, các khoản phải thu của doanh nghiệp là đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.