Cá nhân có được thay đổi thông tin về giới tính trong giấy khai sinh sau khi chuyển giới hay không?
Có được thay đổi thông tin về giới tính trong giấy khai sinh sau khi chuyển giới hay không?
Quyền chuyển đổi giới tính được quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch tức là khi có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên hoặc bất cứ thông tin gì trong giấy khai sinh mà có căn cứ hợp pháp thì công dân có thể thực hiện việc thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch.
Khi chuyển giới, giới tính của người chuyển sẽ khác so với giới tính được ghi trong giấy khai sinh. Trong một số trường hợp, người chuyển giới sẽ muốn thay đổi họ, tên, chữ đệm… cho phù hợp với giới tính mới của mình.
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 17 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về cải chính hộ tịch như sau:
Cải chính hộ tịch
1. Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác.
2. Sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch.
3. Việc cải chính nội dung đăng ký khai tử thuộc thẩm quyền của cơ quan đã đăng ký khai tử, theo đề nghị của người có trách nhiệm đăng ký khai tử quy định tại Điều 33 Luật hộ tịch.
Theo quy định trên, việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch.
Theo khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Cá nhân chỉ có thể thay đổi những thông tin trên khi đó là thông tin sai và việc ghi sai thông tin phải do lỗi của người đăng ký khai sinh hay cơ quan đăng ký khai sinh.
Cá nhân chuyển giới nghĩa là đã can thiệp y học để chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ cơ thể đang có giới tính sinh học hoàn thiện sang giới tính khác phù hợp với nhận diện giới của họ bằng cách sử dụng nội tiết tố sinh dục hoặc phẫu thuật ngực; phẫu thuật bộ phận sinh dục.
Sau khi chuyển giới, giới tính của cá nhân sẽ khác so với giới tính khi được sinh ra và thông tin giới tính được xác nhận trong giấy chứng sinh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cấp.
Việc chuyển đổi giới tính hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn và ý chí cá nhân của người chuyển giới nên không thể xác định đây là sai sót của người đi đăng ký khai sinh hay của cơ quan đăng ký khai sinh.
Do đó, người chuyển giới không thể thay đổi hay nói cách khác là cải chính thông tin về giới tính của mình trong giấy khai sinh.
Có được thay đổi thông tin về giới tính trong giấy khai sinh sau khi chuyển giới hay không? (Hình từ Internet)
Trên giấy khai sinh, giới tính của cá nhân sẽ được xác định dựa trên căn cứ nào?
Việc xác định nội dung đăng ký khai sinh được quy định tại khoản điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử
1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
...
d) Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.
...
Theo đó, giới tính của trẻ em được xác định theo giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 34/2015/TT-BYT), trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung trên giấy chứng sinh.
Cha, mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký. Giấy chứng sinh được làm thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ để làm thủ tục khai sinh và 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp không có giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay giấy chứng sinh bằng văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện đăng ký khai sinh?
Thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con được quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ có thẩm quyền thực hiện đăng ký khai sinh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.