Bên mua có nghĩa vụ thanh toán khi người bán giao thừa hàng hóa trong thỏa thuận hợp đồng không?
- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng khi người bán giao thừa hàng hóa trong thỏa thuận hợp đồng không?
- Bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng như thỏa thuận bị phạt vi phạm bao nhiêu tiền?
- Bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng như thỏa thuận có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng khi người bán giao thừa hàng hóa trong thỏa thuận hợp đồng không?
Căn cứ Điều 50 Luật Thương mại 2005 quy định:
Thanh toán
1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.
2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.
Căn cứ Điều 43 Luật Thương mại 2005 quy định:
Giao thừa hàng
1. Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó.
2. Trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thoả thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Theo đó, bên mua chỉ có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng hóa theo đúng những gì thỏa thuận trong hợp đồng.
Như vậy, trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó.
Lưu ý: Trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thoả thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng như thỏa thuận bị phạt vi phạm bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 300 Luật Thương mại 2005 quy định:
Phạt vi phạm
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.
Căn cứ Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm như sau:
Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Căn cứ Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định:
Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Theo đó, trường hợp bên mua không thanh toán tiền hàng như thỏa thuận bên bán có thể yêu cầu trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Lưu ý, bên mua được miễn trách nhiệm phạt vi phạm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng như thỏa thuận bị phạt vi phạm bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng như thỏa thuận có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm c khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
....
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
....
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, bên mua bằng thủ đoạn gian dối không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của bên kia trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Bên cạnh đó, tùy mức độ và tính chất sự việc với mức phạt hình sự có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Lưu ý: Bên mua bằng thủ đoạn gian dối không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng nhằm chiếm đoạt tài sản còn có thể bị xử phạt bổ sung với mức tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.