Bạch phiến là gì? Người sử dụng bạch phiến trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Bạch phiến là gì?
Hiện nay pháp luật không có quy định về bạch phiến là gì. Nhưng có thể hiểu như sau:
Bạch phiến là một tên gọi khác của heroin, được quy định tại STT 9 Mục IA Danh mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP.
Là một loại ma túy thuộc nhóm gây nghiện giảm đau (narcotic analgesics) hay nhóm thuốc có á phiện (opiates) gồm opium, morphine, codein, pethidine và methadone. Có tác dụng làm ức chế làm giảm hoạt động của não bộ và hệ thần kinh trung ương.
Heroin thường ở dạng bột, có màu sắc khác nhau, phụ thuộc vào độ tinh khiết. Heroin có màu trắng thường có độ tinh khiết cao hơn so với màu nâu, hoặc màu trắng ngà. Heroin được sử dụng theo nhiều cách như tiêm chích, hút hoặc hít.
Bạch phiến là gì? (Hình từ Internet)
Người sử dụng bạch phiến trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Người sử dụng bạch phiến trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;
c) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;
b) Môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy;
b) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;
c) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, bảo quản, tồn trữ chất ma túy, tiền chất ma túy;
d) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
e) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;
g) Thực hiện cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện.
...
Theo đó tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
…
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…
Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng bạch phiến thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Người sử dụng bạch phiến ngoài bị phạt tiền thì có bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung không?
Người sử dụng bạch phiến ngoài bị phạt tiền thì có bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung không, thì theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy
…
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và khoản 6 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b và g khoản 5 Điều này;
d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng bạch phiến ngoài bị phạt tiền thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trên.
Nếu người nước ngoài sử dụng bạch phiến thì còn bị trục xuất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.