Ai phải đóng đoàn phí công đoàn? Quy định về khen thưởng và xử phạt vi phạm hành chính cho việc đóng kinh phí công đoàn?
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn là gì?
Theo Điều 22 Luật Công đoàn 2012 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn như sau:
- Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.
- Tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Phối hợp với công đoàn cùng cấp xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động.
- Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị.
- Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở.
- Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
- Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động.
- Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
Ai phải đóng đoàn phí, công đoàn?
Ai phải đóng đoàn phí công đoàn?
Theo Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định về tài chính công đoàn như sau:
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
- Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
- Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Theo đó, đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, hoặc có thể hiểu là người lao động tham gia công đoàn mới phải đóng khoản đoàn phí này. Trường hợp người lao động không tham gia hoặc doanh nghiệp không thành lập công đoàn cơ sở thì người lao động sẽ không phải đóng đoàn phí. Bên cạnh đó thì việc đóng kinh phí công đoàn sẽ thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Dù doanh nghiệp có thành lập công đoàn cơ sở hay không thì cũng đều phải đóng khoản phí này.
Mức đóng đoàn phí công đoàn mà người lao động phải đóng năm 2021 được quy định như thế nào?
Theo Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định về mức đoàn phí công đoàn mà người lao động phải đóng hiện nay như sau:
- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối): mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối); Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước
- Các công đoàn cơ sở tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được thu đoàn phí công đoàn của đoàn viên hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên) hoặc quy định mức thu cao hơn 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mở rộng (từ tổ trưởng công đoàn trở lên) đồng ý bằng Nghị quyết, có văn bản và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở. Tiền đoàn phí công đoàn phần thu tăng thêm so với quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được để lại 100% cho công đoàn cơ sở bổ sung chi hoạt động theo đúng quy định; khi báo cáo quyết toán, công đoàn cơ sở phải tách riêng số tiền đoàn phí công đoàn tăng thêm theo mẫu quy định để có cơ sở tính số phải nộp về cấp trên.
- Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội: đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc đóng kinh phí công đoàn?
Được quy định tại Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn, cụ thể như sau:
- Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Chậm đóng kinh phí công đoàn;
+ Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
+ Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
- Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Như vậy nếu có hành vi vi phạm sẽ bị phạt theo các quy định nêu trên đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp đôi theo Điều 6 Nghị định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.