Zalo BHXH Việt Nam là gì? Zalo BHXH Việt Nam hỗ trợ các vấn đề gì cho người lao động?
Zalo BHXH Việt Nam là gì?
Theo Điều 3 Quy chế kèm theo Quyết định 1624/QĐ-BHXH năm 2024 quy định thì Zalo BHXH Việt Nam là Trang thông tin, truyền thông của BHXH Việt Nam trên mạng xã hội Zalo, có chức năng cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN và công tác tổ chức thực hiện chính sách của ngành BHXH Việt Nam; tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra Điều 4 Quy chế kèm theo Quyết định 1624/QĐ-BHXH năm 2024 quy định về tên, địa chỉ, ảnh đại diện, ảnh bìa của Zalo BHXH Việt Nam như sau:
- Zalo BHXH Việt Nam trên mạng xã hội Zalo có tên: "Bảo hiểm xã hội Việt Nam".
- Zalo BHXH Việt Nam có địa chỉ Internet: https://zalo.me/bhxhvietnam
- Ảnh đại diện Zalo BHXH Việt Nam là Logo ngành BHXH Việt Nam.
- Ảnh bìa: Căn cứ tình hình thực tế và nội dung truyền thông từng thời điểm, Ban Quản trị Zalo BHXH Việt Nam lựa chọn hình ảnh tiêu biểu của BHXH Việt Nam làm ảnh bìa.
Zalo BHXH Việt Nam là gì? Zalo BHXH Việt Nam hỗ trợ các vấn đề gì cho người lao động? (Hình từ Internet)
Zalo BHXH Việt Nam hỗ trợ các vấn đề gì cho người lao động?
Theo Điều 5 Quy chế kèm theo Quyết định 1624/QĐ-BHXH năm 2024 quy định Zalo BHXH Việt Nam có mục tiêu đem đến cho người lao động các hỗ trợ như sau:
- Thông tin, truyền thông các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN và các hoạt động tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của ngành BHXH Việt Nam.
- Tổng hợp, phân tích ý kiến xã hội về chất lượng thủ tục hành chính, thực thi công vụ của công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam, trên cơ sở đó tham mưu với lãnh đạo Ngành những giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân.
- Zalo BHXH Việt Nam là diễn đàn hỏi - đáp về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên mạng xã hội Zalo; tăng tính tương tác cũng như khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào quá trình tham mưu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Nhà nước có những chính sách nào đối với bảo hiểm xã hội?
Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ ngày 1/7/2025 Nhà nước có những chính sách sau đây đối với bảo hiểm xã hội:
- Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung nhằm để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bị mất việc làm.
- Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
- Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
- Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử, yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.
- Bên cạnh đó còn khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Người tham gia bảo hiểm xã hội có những quyền lợi gì?
Theo khoản 1 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người tham gia bảo hiểm xã hội có những quyền sau đây:
- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;
- Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
- Được cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu;
- Được yêu cầu người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình theo quy định của pháp luật;
- Được tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Chủ động đi khám giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được thanh toán phí giám định y khoa khi kết quả giám định y khoa đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
- Ngoài ra còn có quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025