Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác với những ai?
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác với những ai?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 208/QĐ-VKSTC quy định như sau:
Kỷ luật
1. Tạm đình chỉ công tác đối với công chức công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật nếu thấy để công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
2. Thành lập Hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật đối với công chức, viên chức công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
3. Quyết định một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Cách chức chức danh Kiểm sát viên và Điều tra viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp; Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính của Viện kiểm sát nhân dân; cán bộ điều tra và Kiểm tra viên công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức, viên chức công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, trừ lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở xuống thuộc các đơn vị sự nghiệp;
c) Giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Chuyên viên cao cấp và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Buộc thôi việc đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
4. Giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật:
a) Lần thứ nhất đối với những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Lần thứ hai đối với các quyết định xử lý kỷ luật của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Theo đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác với công chức công tác tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thời gian xem xét và xử lý kỷ luật nếu thấy để công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác với những ai? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao?
Căn cứ theo Điều 62 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 quy định như sau:
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.
2. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 63 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác và xây dựng Viện kiểm sát nhân dân;
- Quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị, điều lệ, quy chế và chế độ công tác áp dụng đối với Viện kiểm sát nhân dân;
- Quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn;
- Quyết định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới;
- Quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn;
- Trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên các ngạch và Kiểm tra viên các ngạch;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền;
- Kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh;
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật;
- Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
- Trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tổng kết kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân.
- Tham dự các phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bàn về việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
- Kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
- Chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước;
- Trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Quốc hội;
- Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.