Tiêu chuẩn để trở thành kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp là gì? kiểm định viên chất lượng có nhiệm vụ, quyền hạn nào?
Tiêu chuẩn để trở thành kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp là gì?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
Tiêu chuẩn kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
1. Có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.
2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
3. Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục nghề nghiệp hoặc làm việc về ngành, nghề có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo.
4. Hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hoặc do đơn vị được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giao nhiệm vụ tổ chức.
5. Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên.
6. Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương trở lên.
Như vậy muốn trở thành kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì phải có các tiêu chuẩn nêu trên.
Tiêu chuẩn để trở thành kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp là gì? kiểm định viên chất lượng có nhiệm vụ, quyền hạn nào? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp là gì?
Về nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì được quy định tại Điều 14 Nghị định 49/2018/NĐ-CP và Điều 15 Nghị định 49/2018/NĐ-CP như sau:
Điều 14. Nhiệm vụ của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
1. Bảo quản thẻ kiểm định viên; không cho người khác sử dụng hoặc sử dụng thẻ kiểm định viên của người khác; chỉ sử dụng thẻ kiểm định viên trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
2. Tuân thủ các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với thành viên đoàn đánh giá ngoài.
3. Cung cấp thông tin cá nhân cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khi được yêu cầu hoặc khi có sự thay đổi.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quyền hạn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
1. Được ký hợp đồng với tổ chức kiểm định.
2. Trong thời gian tham gia đoàn đánh giá ngoài, kiểm định viên có các quyền sau đây:
a) Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;
b) Yêu cầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được đánh giá ngoài cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin liên quan;
c) Bảo lưu ý kiến cá nhân;
d) Nếu xét thấy cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo không có đủ điều kiện để thực hiện đánh giá ngoài theo quy định thì báo cáo, kiến nghị với tổ chức kiểm định và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để xử lý.
Cơ quan nào có thẩm quyền đánh giá, quản lý, đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên?
Theo Điều 26 Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định:
Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Quy định quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên, phê duyệt kế hoạch phát triển đội ngũ kiểm định viên, kế hoạch cấp thẻ kiểm định viên hàng năm;
b) Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
c) Quy định về khung giá dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước;
d) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan.
2. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm:
a) Tổ chức việc biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tổ chức hoặc giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên; ban hành ngân hàng đề thi đánh giá phục vụ cấp thẻ kiểm định viên;
b) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan;
c) Thực hiện các quy định khác thuộc trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức kiểm định trên địa bàn và xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan;
b) Trước ngày 20 tháng 12 hàng năm, báo cáo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tình hình thực hiện quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn bằng hình thức trực tuyến và văn bản.
Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, quản lý, đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên bao gồm Bộ lao - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.