Tiền lương mới từ 01/7/2024 của 03 đối tượng nào không được hưởng phụ cấp đặc thù?
Tiền lương mới từ 01/7/2024 của 03 đối tượng nào không được hưởng phụ cấp đặc thù?
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Theo đó, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Căn cứ theo tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có quy định sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương như sau:
3. Nội dung cải cách
3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
...
d) Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương
- Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
...
Theo đó khi cải cách tiền lương từ 01/7/2024 chỉ quy định tiếp tục áp dụng phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Đồng thời, tại tiết g tiểu mục 2 Mục 1 Phần B Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 có nêu rõ kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 như sau:
Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù: Từ năm ngân sách 2025, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp, thu nhập và kinh phí thường xuyên.
Như vậy, thông qua đó có thể thấy khi cải cách tiền lương từ 01/7/2024 sẽ điều chỉnh (bãi bỏ) phụ cấp đặc thù của cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp để đến năm 2025 không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp, thu nhập vào tiền lương của 03 đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức.
Lưu ý: Hiện nay chưa có văn bản chính thức về bảng lương khi cải cách tiền lương cũng như các văn bản liên quan về mức tăng tiền lương mới của từng đối tượng. Tuy nhiên, bảng lương mới vẫn sẽ đảm bảo được đúng tinh thần của Nghị quyết 27 để lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Tiền lương mới từ 01/7/2024 của 03 đối tượng nào không được hưởng phụ cấp đặc thù?
Cơ chế phụ cấp đặc thù 2024 tại cơ quan Nhà nước trước và sau cải cách tiền lương như thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 do Quốc hội ban hành có quy về thực hiện chính sách tiền lương. Trong đó, đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù như sau:
Thời gian | Cơ chế phụ cấp đặc thù 2024 |
Từ 01/01/2024 - hết 30/6/2024 | - Tiền lương, thu nhập tăng thêm hằng tháng theo cơ chế đặc thù không vượt quá tiền lương, thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương, thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). - Tiền lương, thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn tiền lương chung thì thực hiện chế độ tiền lương chung để đảm bảo quyền lợi của người lao động. |
Từ 01/7/2024 trở đi | - Bãi bỏ tất cả cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan hành chính nhà nước. - Áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Theo đó, bãi bỏ mức lương tính theo hệ số và mức lương cơ sở, thay vào đó là áp dụng chung 05 bảng lương cho công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý và theo ngạch công chức/chức danh viên chức nếu không giữ chức vụ quản lý cùng 03 bảng lương dành cho lực lượng vũ trang nhân dân. - Không tiếp tục cơ chế, phụ cấp đặc thù với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù gồm các khoản chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn… của cơ quan hành chính Nhà nước. |
Mức lương cơ sở để tính lương công chức, viên chức hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
3. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII; mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).
4. Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Như vậy, hiện nay mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật là 1.8 triệu đồng/tháng.