Thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết như thế nào?
- Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết?
- Thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết như thế nào?
- Hồ sơ hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết như thế nào?
Đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 143/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Chế độ tử tuất
...
2. Trợ cấp tuất hằng tháng
a) Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật bảo hiểm xã hội;
...
Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:
- Thân nhân của những người lao động chết được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:
+ Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
- Những người thân nhân trên trừ con của người lao động thì phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. (thu nhập không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công)
Thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Trình tự, thủ tục tham gia, giải quyết bảo hiểm xã hội
1. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội và trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện theo trình tự, thủ tục đối với lao động Việt Nam và thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật bảo hiểm xã hội; Điều 57, 58, 59, 60, 61 và 62 của Luật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 9, 10, 13, 14, 17, 18, 21, 22, 25 và Điều 26 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trừ quy định tại khoản 3 Điều này và Điều 16 của Nghị định này.
...
Dẫn chiếu đến Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:
- Bước 1: Lập hồ sơ và nộp cho người sử dụng lao động nơi người lao động nước ngoài làm việc trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người lao động chết.
- Bước 2: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ thân nhân của người lao động.
- .Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho thân nhân của người lao động. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chết như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP dẫn chiếu đến Điều 111 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về hồ sơ hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:
- Hồ sơ hưởng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội và người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội;
+ Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
+ Bản sao bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp;
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
- Trường hợp người đang hưởng hoặc người đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, hồ sơ gồm:
+ Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Lưu ý: Nếu hồ sơ do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được dịch ra tiếng Việt và có chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam