Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động là bao lâu?
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động là bao lâu?
Tại khoản 2 Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
...
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
...
Theo đó, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động và trở lại làm việc mà trong 30 ngày đầu sức khỏe chưa phục hồi thì người lao động sẽ được giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi từ 05 - 10 ngày/lần bị tai nạn lao động. Cụ thể như sau:
- Tối đa 10 ngày: Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.
- Tối đa 07 ngày: Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% - 50%.
- Tối đa 05 ngày: Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 15% - 30%.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động là bao lâu? (Hình từ Internet)
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau tai nạn lao động có được nhận lương hay không?
Tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó thì trong thời gian người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động thì sẽ không được công ty trả lương nhưng sẽ được bảo hiểm xã hội hỗ trợ.
Với mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.
Trình tự giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động được thực hiện thế nào?
Căn cứ vào Điều 60 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì việc giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động được thực hiện như sau:
(1) Người sử dụng lao động lập danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi theo quy định.
(2) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(3) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.