Thời điểm mức lương cơ sở 2.34 triệu bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được xác định là bao nhiêu?
- Thời điểm mức lương cơ sở 2.34 triệu bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được xác định là bao nhiêu?
- Công chức, viên chức tham gia BHXH trước 1/7/2025 thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất tính theo mức tham chiếu đúng không?
- Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của công chức, viên chức được tính trên cơ sở nào?
Thời điểm mức lương cơ sở 2.34 triệu bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được xác định là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
...
Theo đó, chính thức tăng mức lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2024 thành 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 1/7/2024).
Căn cứ theo Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 quy định như sau:
Mức tham chiếu
1. Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật này.
2. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Căn cứ Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Quy định chuyển tiếp
...
13. Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
14. Văn bản ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và chế độ khác theo quy định của Luật số 58/2014/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2026.
15. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, tại thời điểm mức lương cơ sở 2.34 triệu bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó. Điều này đồng nghĩa với việc mức tham chiếu không được thấp hơn 2.34 triệu.
Xem toàn bộ bảng lương mới từ 1/7/2024 của cán bộ, công chức, viên chức theo mức lương cơ sở mới: Tại đây
Cập nhật công thức tính lương mới khi bỏ lương cơ sở 2.34 triệu?
Thời điểm mức lương cơ sở 2.34 triệu bị bãi bỏ thì mức tham chiếu được xác định là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Công chức, viên chức tham gia BHXH trước 1/7/2025 thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất tính theo mức tham chiếu đúng không?
Tại khoản 11 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định như sau:
Quy định chuyển tiếp
...
11. Đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d, đ, g và i khoản 1 Điều 2 của Luật này đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.
...
Dẫn chiếu đến quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có nội dung như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
...
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
...
Như vậy, công chức, viên chức tham gia BHXH trước 1/7/2025 mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của công chức, viên chức được tính trên cơ sở nào?
Theo Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội; có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người tham gia lựa chọn.
3. Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
6. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng. Trường hợp tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
7. Việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội được xác định theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo đó mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của cán bộ công chức được tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.