Thẩm tra viên chính cần đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ như thế nào?
Thẩm tra viên chính là ai?
Tại Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1718/QĐ-TANDTC năm 2017 có quy định như sau:
Tiêu chuẩn ngạch Thẩm tra viên chính
1. Chức trách:
Là chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cao về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân các cấp.
2. Nhiệm vụ:
a) Trực tiếp thẩm tra hồ sơ các vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án; thẩm tra viên về thi hành án giúp Chánh án Tòa án thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án đối với các công việc có tính chất phức tạp;
b) Tham gia nghiên cứu, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thẩm tra viên; thi hành án; tổ chức tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm áp dụng trong phạm vi các Tòa án nhân dân;
c) Tham gia nghiên cứu, xây dựng đề án, đề tài, văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác quản lý, xây dựng Tòa án nhân dân và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
...
Theo đó, Thẩm tra viên chính là chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cao về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân các cấp.
Thẩm tra viên chính cần đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ như thế nào? (Hình từ Internet)
Thẩm tra viên đáp ứng điều kiện gì thì được dự thi nâng ngạch lên Thẩm tra viên chính?
Tại Điều 13 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1718/QĐ-TANDTC năm 2017 có quy định như sau:
Điều kiện dự thi nâng ngạch
1. Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án được đăng ký dự thi nâng ngạch khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm đăng ký dự thi nâng ngạch; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn ngạch hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch đăng ký dự thi.
3. Điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên
Công chức Tòa án nhân dân các cấp khi dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên ngoài các điều kiện tại Khoản 1 Điều này, còn phải có các điều kiện sau đây:
a) Nâng ngạch Thẩm tra viên chính:
- Đã giữ ngạch Thẩm tra viên hoặc tương đương được từ đủ 09 năm trở lên tính đến thời điểm đăng ký dự thi nâng ngạch, trong đó thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng);
- Có chứng chỉ đào tạo Nghiệp vụ Thẩm tra viên chính.
...
Theo quy định trên, nếu Thẩm tra viên muốn dự thi nâng ngạch Thẩm tra viên chính thì cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục tính đến thời điểm đăng ký dự thi nâng ngạch; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí Thẩm tra viên chính;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm tra viên chính.
- Đã giữ ngạch Thẩm tra viên hoặc tương đương được từ đủ 09 năm trở lên tính đến thời điểm đăng ký dự thi nâng ngạch, trong đó thời gian giữ ngạch Thẩm tra viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng);
- Có chứng chỉ đào tạo Nghiệp vụ Thẩm tra viên chính.
Thẩm tra viên chính cần đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1718/QĐ-TANDTC năm 2017, Thẩm tra viên chính cần đáp ứng 7 tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ sau đây:
- Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
- Nắm vững hệ thống các quy định của pháp luật về nghiệp vụ Thẩm tra viên;
- Có kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các dự án, đề án, chương trình liên quan đến công tác nghiệp vụ chuyên môn được giao;
- Có năng lực tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các giải pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo sự phân công của Chánh án Tòa án;
- Có năng lực tham gia nghiên cứu, xây dựng các đề án, đề tài, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
- Có năng lực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao;
- Có năng lực thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao.