Tăng mức lương cơ sở thì mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động năm 2023 sẽ thay đổi ra sao?
- Bao giờ thì mới tăng mức lương cơ sở?
- Tăng mức lương cơ sở thì mức đóng BHYT của người lao động năm 2023 sẽ thay đổi ra sao?
- Mức đóng BHYT của người lao động thay đổi ra sao từ 1/7/2023?
- Tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 thì tiền lương của công nhân, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp có được tăng không?
Bao giờ thì mới tăng mức lương cơ sở?
Theo quy định hiện nay, mức lương cơ sở là mức lương được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và lực lượng vũ trang.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 thì từ ngày 01/7/2023 sẽ tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng.
Tăng mức lương cơ sở thì mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động năm 2023 sẽ thay đổi ra sao? (Hình từ Internet)
Tăng mức lương cơ sở thì mức đóng BHYT của người lao động năm 2023 sẽ thay đổi ra sao?
Từ ngày 01/7/2023 tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng việc này không chỉ thay đổi mức thu nhập của người lao động mà còn thay đổi mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng dẫn đến tăng mức đóng BHYT như sau:
Mức đóng BHYT của người lao động thay đổi ra sao từ 1/7/2023?
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mỗi tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo mức sau:
Mức đóng BHYT của người lao động = 1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc |
Trong đó, mức lương cơ sở không ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động nhưng lại tác động đến mức đóng BHYT tối đa của nhóm đối tượng này.
Bởi theo khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH), mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa chỉ bằng 20 tháng lương cơ sở.
Do đó, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT tối đa của người lao động sẽ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên thành 540.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2023 .
Mức đóng BHYT của cán bộ, công chức, viên chức
Cũng theo khoản 1 Điều 18 và điểm 1.2 khoản 1 Điều 17 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, mỗi tháng, cán bộ, công chức viên chức sẽ phải đóng quỹ BHYT theo tỷ lệ sau:
Mức đóng BHYT của cán bộ, công chức, viên chức = 1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc |
Trong đó:
- Tiền lương đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (tính theo lương cơ sở và hệ số tương ứng) và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
- Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa 20 lần tháng lương cơ sở.
Do đó, khi lương cơ sở tăng từ 01/7/2023, mức đóng bảo hiểm y tế của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng theo.
Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào hệ số lương mà người đó đang được nhận và mức đóng bảo hiểm y tế tối đa của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên mức 540.000 đồng/tháng.
Mức đóng BHYT của người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Khoản 2 Điều 18 và điểm 1.3 khoản 1 Điều 17 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 quy định, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mỗi tháng phải đóng BHYT với mức sau:
Mức đóng BHYT của người người hoạt động không chuyên trách cấp xã = 1,5% x Mức lương cơ sở |
Từ 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sẽ tăng từ 22.350 đồng/tháng lên mức 27.000 đồng/tháng .
Tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 thì tiền lương của công nhân, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp có được tăng không?
Căn cứ vào Điều 1 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Điều 1 Nghị định này bao gồm:
1. Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008.
3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010.
4. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
6. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
7. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
8. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
9. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Theo như quy định trên thì lương cơ sở sẽ chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp trung ương đến cấp địa phương.
Đối với người lao động, công nhân, nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp, công ty ngoài nhà nước thì không thuộc đối tượng áp dụng lương cơ sở.
Do đó, việc tăng lương cơ sở sẽ chỉ dẫn đến tăng tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức chứ không gây ảnh hưởng, tác động gì đến với tiền lương của công nhân, nhân viên, người lao động làm việc cho các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước.