Tăng lương hưu theo 03 mức tăng cho 07 đối tượng nghỉ hưu nào?
Tăng lương hưu theo 03 mức tăng cho 07 đối tượng nghỉ hưu nào?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP, từ 1/7/2024 sẽ có 2 lần tăng lương hưu với 3 mức tăng, cụ thể như sau:
* Lần 1: Tăng lương hưu thêm 15%
Từ ngày 1/7/2024 điều chỉnh tăng lương hưu thêm 15% trên mức lương hưu hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với 09 nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
* Lần 2 sẽ có 02 mức tăng: 07 nhóm đối tượng trong số 09 nhóm đối tượng theo quy định trên nghỉ hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh tăng lương hưu 15%, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng lương hưu thêm theo 2 mức sau:
- Mức 1: tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
- Mức 2: tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, 07 nhóm đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh tăng lương hưu theo mức 1 là tăng 15% trên mức lương hưu hằng tháng của tháng 6 năm 2024, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm theo 02 mức, cụ thể gồm các đối tượng sau đây:
(1) Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
(2) Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP, Nghị định 92/2009/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 01/08/2023), Nghị định 34/2019/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 01/08/2023), Nghị định 121/2003/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 01/01/2010) và Nghị định 09/1998/NĐ-CP (văn bản hết hiệu lực từ 10/11/2003).
(3) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2008; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP năm 1979.
(4) Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP năm 1975 (văn bản hết hiệu lực từ 01/06/1993) và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.
(5) Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg).
(6) Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.
(7) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
Xem chi tiết bảng tính tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: Tại đây
Xem thêm: Tiếp tục tăng lương hưu lần 2, lần 3 áp dụng cho tất cả đối tượng đã được tăng lương hưu 15%?
Tăng lương hưu theo 03 mức tăng cho 07 đối tượng nghỉ hưu nào? (Hình từ Internet)
Từ 1/7/2025, được hưởng bao nhiêu tiền lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 15 năm?
Theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ 1/7/2025, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm nhận được mức tiền lương hưu như sau:
- Lao động nữ: Mức tiền lương hưu hằng tháng bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Mỗi năm sau đó hưởng thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%.
- Lao động nam: Mức tiền lương hưu hằng tháng bằng 40% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Mỗi năm sau đó hưởng thêm 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, cứ mỗi năm tham gia thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%.
Mức tiền lương hưu hằng tháng của đối tượng là người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.
Tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu ra sao?
Căn cứ khoản 6 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội; có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người tham gia lựa chọn.
3. Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
6. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu và trợ cấp tuất hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng. Trường hợp tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
...
Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu để xác định điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng tính theo năm, một năm phải tính đủ 12 tháng.
Nếu tính mức hưởng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có tháng lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.