Rằm tháng Giêng và Tết Nguyên tiêu có phải là một? Người lao động có được nghỉ vào ngày này không?
Ngày Rằm tháng giêng và ngày Tết Nguyên tiêu có phải là một không?
Ngày Rằm tháng Giêng chính là ngày Tết Nguyên tiêu.
Bởi các lý do sau:
- Tên gọi Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là Rằm tháng Giêng
+ Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, "Nguyên" nghĩa là thứ nhất, "Tiêu" nghĩa là đêm.
+ Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới.
- Nguồn gốc Tết Nguyên tiêu liên hệ chặt chẽ với ngày Rằm tháng Giêng.
Có nhiều nguồn gốc của Rằm tháng Giêng - tết Nguyên tiêu, do dân gian có nhiều giải thích.
+ Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian.
Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu. Bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
+ Một số tài liệu khác lại cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp.
Ngoài ra Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc và có nhiều phiên bản khác nhau.
+ Theo Tiến sĩ khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho biết, xã hội ngày nay lưu truyền nhiều ý nghĩa, nguồn gốc của ngày Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên theo ông, câu chuyện liên quan đến vua Hán Văn của Trung Hoa là được truyền tai nhiều nhất.
Theo đó, nhà vua lên ngôi vào đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là "tiêu", đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên tiêu.
Theo lịch âm dương năm 2024, Tết Nguyên Tiêu 2024 sẽ rơi vào thứ 7 ngày 24/02/2024 dương lịch.
Thông tin trên mang tính chất tham khảo.
Rằm tháng Giêng và Tết Nguyên tiêu có phải là một? (Hình từ Internet)
Người lao động có được nghỉ làm vào ngày Rằm tháng Giêng không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 06 dịp lễ, tết trong năm là:
- Tết Dương lịch;
- Tết Âm lịch;
- Ngày Chiến thắng;
- Ngày Quốc tế lao động;
- Quốc khánh;
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Tuy Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu được xem là một dịp lễ quan trọng trong năm nhưng lại không phải là ngày nghỉ lễ tết hằng năm của người lao động.
Do đó, vào ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu, người lao động vẫn phải làm việc bình thường, trừ trường hợp:
- Ngày Rằm tháng Giêng rơi vào ngày nghỉ hằng tuần.
- Người lao động có thỏa thuận khác.
Đi làm thêm giờ trong ngày Rằm tháng Giêng người lao động được trả mức tiền lương là bao nhiêu?
Theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Do Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu không thuộc ngày lễ tết hằng năm.
Theo đó, người lao động đi làm thêm giờ vào ngày Rằm tháng Giêng thì sẽ được người sử dụng lao động trả mức tiền lương như sau:
- Đi làm thêm giờ vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng 150% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm thêm giờ vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 210% lương của ngày làm việc bình thường. Cụ thể thực hiện theo công thức sau đây:
Lương làm thêm giờ vào ban đêm = Lương làm thêm ngày thường + 30% lương ngày thường + 20% lương làm thêm giờ vào ban ngày = 150% + 30% + (20% x 150%) = 210%
*Nếu ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu rơi vào ngày nghỉ hằng tuần của người lao động thì mức lương như sau:
- Đi làm thêm giờ vào ban ngày: Hưởng ít nhất là bằng: 200% lương của ngày làm việc bình thường.
- Đi làm thêm giờ vào ban đêm: Hưởng ít nhất là bằng 270% lương của ngày làm việc bình thường. Cụ thể thực hiện theo công thức sau đây:
Lương làm thêm giờ vào ban đêm = Lương làm thêm ngày nghỉ hằng tuần + 30% lương ngày thường + 20% lương làm thêm giờ vào ban ngày = 200% + 30% + (20% x 200%) = 270%