Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có thuộc danh sách nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không?
- Số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em là số nào? Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có các nhiệm vụ gì?
- Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có thuộc danh sách nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không?
- Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 phải được khám sức khỏe bao lâu một lần?
Số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em là số nào? Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có các nhiệm vụ gì?
Tại Điều 22 Nghị định 56/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
Nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em
1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
2. Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại.
3. Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu.
4. Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.
5. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.
6. Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.
7. Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em.
8. Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với vụ việc xâm hại trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em.
Như vậy, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tiếp nhận thông tin, bảo vệ trẻ em, hỗ trợ, tư vấn các vấn đề liên quan đến trẻ em và các vấn đề khác được đề cập theo quy định tại Điều 22 Nghị định 56/2017/NĐ-CP
Hiện nay, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có đường dây nóng là 111 (do Cục trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý).
Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có thuộc danh sách nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không? (Hình từ Internet)
Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có thuộc danh sách nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không?
Hiện tại, Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH.
Kể từ ngày 15/02/2024, Bộ LĐTBXH chính thức bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó, nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là công việc thuộc Điều kiện lao động loại IV trong lĩnh vực Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH.
Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 làm việc trong điều kiện tiếp xúc tiếng ồn thường xuyên, liên tục, môi trường làm việc khép kín, ảnh hưởng bởi sóng điện thoại, căng thẳng thần kinh tâm lý do đó sẽ được hưởng chính sách của người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo thông tin từ Báo Tuổi Trẻ, những năm qua, nhiều nhân viên đã phải nghỉ việc vì liên quan đến bệnh về tai do nghe điện thoại, tiếp xúc với sóng điện thoại gần như 8 tiếng đồng hồ trong không gian chật hẹp. Bên cạnh đó, nhân viên trực tổng đài 111 còn phải chịu ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần bởi các thông tin độc hại liên quan đến trẻ bị xâm hại nơi này, trẻ em bị tử vong ở nơi kia…
Hàng vạn câu chuyện đau lòng khiến nhiều người lo âu, trầm cảm theo, dẫn tới không chịu được phải nghỉ việc. Cao điểm có tới 50% nhân viên rời khỏi tổng đài vì trung bình một ca trực chỉ có 4-5 người làm việc liền trong 8 tiếng, riêng đường dây Hà Nội hoạt động 24/24h.
Do vậy, việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xếp Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bên cạnh 50 nghề, công việc khác là điều hoàn toàn hợp lý.
Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 phải được khám sức khỏe bao lâu một lần?
Tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
...
Theo đó, vì Nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thuộc đối tượng người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 06 tháng/lần cho đối tượng này.