Người sử dụng lao động phải thực hiện đo kiểm tra môi trường lao động với các yếu tố nào?
Người sử dụng lao động phải thực hiện đo kiểm tra môi trường lao động hàng năm không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc
1. Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
...
4. Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
...
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.
Người sử dụng lao động phải thực hiện đo kiểm tra môi trường lao động với các yếu tố nào? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động phải thực hiện đo kiểm tra môi trường lao động với các yếu tố nào?
Theo quy định tại Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
2. Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
3. Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, người sử dụng lao động phải tiến hành kiểm tra, đo các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại hằng năm tại môi trường làm việc
Theo Mục II Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP về danh mục các yếu tố có hại trong môi trường lao động bao gồm:
- Yếu tố vi khí hậu bất lợi:
+ Nhiệt độ
+ Độ ẩm
+ Tốc độ gió
+ Bức xạ nhiệt
- Yếu tố vật lý:
+ Ánh sáng
+ Tiếng ồn theo dải tần
+ Rung chuyển theo dải tần
+ Vận tốc rung đứng hoặc ngang
+ Phóng xạ
+ Điện từ trường tần số công nghiệp
+ Điện từ trường tần số cao
+ Bức xạ tử ngoại
+ Các yếu tố vật lý khác (ghi rõ)
- Yếu tố bụi các loại:
+ Bụi toàn phần
+ Bụi hô hấp
+ Bụi thông thường
+ Bụi silic; phân tích hàm lượng silic tự do
+ Bụi amiăng
+ Bụi kim loại (chì, mangan, cadimi,... đề nghị ghi rõ)
+ Bụi than
+ Bụi talc
+ Bụi bông
+ Các loại bụi khác (ghi rõ)
- Yếu tố hơi khí độc (Liệt kê ghi rõ các yếu tố có giới hạn cho phép theo quy chuẩn vệ sinh lao động) như:
+ Thủy ngân
+ Asen
+ Oxit cac bon
+ Benzen và các hợp chất (Toluene, Xylene)
+ Trinitro toluen (TNT)
+ Nicotin
+ Hóa chất trừ sâu
+ Các hóa chất khác (Ghi rõ)
- Yếu tố tâm sinh lý và ec-gô-nô-my
+ Đánh giá gánh nặng thần kinh tâm lý
+ Đánh giá ec-gô-nô-my
- Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp:
+ Yếu tố vi sinh vật
+ Yếu tố gây dị ứng, mẫn cảm
+ Dung môi
Ngoài ra, Thông tư 10/2019/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép 50 yếu tố hóa học tại nơi làm việc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Trong văn bản trên có hướng dẫn cụ thể 50 yếu tố cần đo với mức giới hạn cụ thể cũng như hướng dẫn cách đo.
Người lao động đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại môi trường làm việc như thế nào?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 39/2016/NĐ-CP về việc nhận diện và đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại như sau:
- Phân tích đặc Điểm Điều kiện lao động, quy trình làm việc có liên quan và kết quả kiểm tra nơi làm việc.
- Khảo sát người lao động về những yếu tố có thể gây tổn thương, bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của họ tại nơi làm việc.
- Trường hợp không nhận diện, đánh giá được đầy đủ, chính xác bằng cảm quan thì phải sử dụng máy, thiết bị phù hợp để đo, kiểm các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.