Người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản thì người lao động có được hỗ trợ về nước không?
- Người lao động có được hỗ trợ về nước khi người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản không?
- Người lao động về nước sớm do người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản thì có được chuyển đổi nghề khi về lại Việt Nam không?
- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước bao nhiêu?
Người lao động có được hỗ trợ về nước khi người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản không?
Căn cứ Điều 11 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định như sau:
Hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác
1. Mức hỗ trợ: từ 7.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/trường hợp.
2. Người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động gửi giấy đề nghị hỗ trợ (Mẫu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này) kèm theo 01 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi đến Cơ quan điều hành Quỹ. Hồ sơ gồm:
a) Bản sao văn bản thanh lý hợp đồng ký giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi và người lao động, nêu rõ lý do về nước trước thời hạn; hoặc văn bản thông báo của người sử dụng lao động; hoặc văn bản của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại theo đề nghị xác minh của người lao động về việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng với người lao động vì các lý do nêu trên;
b) Bản sao hộ chiếu của người lao động;
c) Văn bản ủy quyền (ghi rõ nội dung ủy quyền) hoặc giấy tờ chứng minh quyền đại diện theo pháp luật theo quy định trong trường hợp người được ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ nộp thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi, đơn vị, cá nhân lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ kèm theo hồ sơ của người lao động gửi Cơ quan điều hành Quỹ (Mẫu theo Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này).
3. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan điều hành Quỹ kiểm tra, đối chiếu hồ sơ và thực hiện hỗ trợ theo quy định. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà phải về nước sớm do người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản thì sẽ được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ với mức hỗ trợ từ 7.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/trường hợp.
Tuy nhiên, người lao động, người được người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động phải gửi giấy đề nghị hỗ trợ (Mẫu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg) kèm theo 01 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi đến Cơ quan điều hành Quỹ.
Người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản thì người lao động có được hỗ trợ về nước không? (Hình từ Internet)
Người lao động về nước sớm do người sử dụng lao động ở nước ngoài bị phá sản thì có được chuyển đổi nghề khi về lại Việt Nam không?
Căn cứ Điều 15 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định như sau:
Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động
Người lao động phải về nước trước hạn quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Quyết định này có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống như sau:
1. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 06 tháng/người/khóa học.
2. Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động nộp Giấy đề nghị hỗ trợ (Mẫu theo Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này) kèm theo 01 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi tới Cơ quan điều hành Quỹ. Hồ sơ gồm:
a) Bản sao chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề;
b) Phiếu thu, biên lai thu tiền đào tạo nghề của cơ sở đào tạo nghề;
c) Văn bản ủy quyền (ghi rõ nội dung ủy quyền) hoặc giấy tờ chứng minh quyền đại diện theo pháp luật theo quy định trong trường hợp người được ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ nộp thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi, đơn vị, cá nhân lập danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ kèm theo hồ sơ của người lao động gửi Cơ quan điều hành Quỹ (Mẫu theo Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này).
3. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan điều hành Quỹ kiểm tra, đối chiếu hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
Theo đó, người lao động phải về nước sớm do người sử dụng lao động ở nước ngoài phá sản thì ngoài việc được hỗ trợ tiền về nước thì còn được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 06 tháng/người/khóa học.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định như sau:
Đóng góp của người lao động
1. Mức đóng góp
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp Quỹ mức 100.000 đồng/người/hợp đồng.
Căn cứ đóng góp Quỹ là một trong những loại hợp đồng hoặc văn bản sau:
a) Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp;
b) Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
c) Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận ký giữa người lao động và doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
d) Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài;
đ) Hợp đồng lao động ký giữa người lao động và người sử dụng lao động ở nước ngoài.
...
Như vậy, mỗi người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải đóng góp là 100.000 đồng/người/hợp đồng.