Người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động biết hay không?
Loại hợp đồng lao động nào hiện nay được phép giao kết?
Căn cứ vào Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Như vậy, sau khi đạt được những thỏa thuận với nhau thì người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với người lao động thông qua 02 loại là hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động biết hay không?
Người sử dụng lao động phải cung cấp những thông tin gì khi giao kết hợp đồng lao động?
Căn cứ vào Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Theo đó, khi giao kết hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động bắt buộc phải cung cấp trung thực những thông tin sau đây cho người lao động biết:
- Công việc
- Địa điểm làm việc
- Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
- Tiền lương, hình thức trả lương
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
- An toàn, vệ sinh lao động
- Quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ.
Mức xử phạt khi không cung cấp thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc khi giao kết hợp đồng cho người lao động biết?
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 5 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không thông tin cho người lao động về một trong các nội dung sau: tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các yếu tố nguy hiểm, có hại; các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
b) Không tổ chức nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc;
c) Không có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
....
Như vậy, người sử dụng lao động không thông tin cho người lao động về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động biết thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại điều luật này.
Bên cạnh đó, nếu thuộc trường hợp cho thuê lại lao động thì bên thuê lại lao động không thông báo hoặc không hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết một trong các nội dung như: nội quy lao động; các yếu tố nguy hiểm; yếu tố có hại;... thì sẽ bị áp dụng hình thức xử lý là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Và đặc biệt đối với hành vi vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giời thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Những mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Nên trong trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.