Người lao động viết email xin nghỉ việc như thế nào cho chuyên nghiệp?
Người lao động viết email xin nghỉ việc như thế nào cho chuyên nghiệp?
Viết email xin nghỉ việc là một kỹ năng quan trọng để bạn thể hiện sự chuyên nghiệp và tôn trọng với nhà tuyển dụng và đồng nghiệp khi bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động.
Dưới đây là một số bí quyết và mẫu cho bạn về cách viết email xin nghỉ việc chuyên nghiệp:
- Ghi rõ thời gian nghỉ việc: Bạn nên thông báo cho nhà tuyển dụng biết thời gian chính thức bạn sẽ nghỉ việc, tuân theo quy định của Bộ luật Lao động về thời gian báo trước khi nghỉ việc. Bạn cũng nên xem xét khả năng ở lại lâu hơn để bàn giao công việc cho người mới hoặc giải quyết những vấn đề còn dang dở.
- Báo cáo tình trạng công việc hiện tại: Khi nghỉ việc thì khả năng cao bạn sẽ còn những công việc tồn đọng chưa giải quyết xong tại thời điểm viết mail xin nghỉ việc. Hãy hoàn thành những đầu việc trong khả năng và báo cáo chi tiết về tiến độ công việc hiện tại để sếp và các đồng nghiệp có thể bắt kịp. Bạn nên báo cáo một cách cụ thể và chi tiết về tình trạng của những công việc bạn đang thực hiện trước khi nghỉ việc để nhà tuyển dụng có thể chọn người phù hợp để nhận bàn giao.
- Đừng quên lời cảm ơn: Bạn nên gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng và những người đồng nghiệp đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho bạn phát triển trong thời gian làm việc. Lời cảm ơn không chỉ là phép lịch sự mà còn thể hiện sự chân thành và chuyên nghiệp của bạn
- Không đưa ra những lời chỉ trích hay phê phán: Bạn nên tránh những lời lẽ tiêu cực, chỉ trích hay phê phán nhà tuyển dụng hoặc đồng nghiệp trong email xin nghỉ việc.
- Lời chào cuối thư: Bạn có thể kết thúc thư bằng lời ngỏ giữ liên lạc cùng lời chúc thân mật gửi đến công ty và đồng nghiệp. Phần ký tên cũng được thực hiện như những mẫu email thông dụng khác.
Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Viết email xin nghỉ việc cho người lao động như thế nào cho chuyên nghiệp? (Hình từ Internet)
Một số mẫu email xin nghỉ việc dành cho người lao động?
Có thể tham khảo một số mẫu email xin nghỉ việc dưới đây:
* Mẫu 01:
Tiêu đề mail: THƯ XIN NGHỈ VIỆC_[TÊN CỦA BẠN]_ [VỊ TRÍ/CHỨC DANH]
Kính gửi: Anh/chị [tên người nhận]
Em xin gửi email này để thông báo chính thức về việc em sẽ nghỉ việc tại công ty với vị trí [tên vị trí/chức danh] vì [lý do nghỉ việc]. Ngày làm việc cuối cùng của em sẽ là [ngày chính thức nghỉ]. Em rất lấy làm làm tiếc vì sẽ không còn làm việc tại [tên công ty] trong thời gian sắp tới.
Em xin chân thành cảm ơn công ty đã tạo điều kiện cho em có cơ hội làm việc trong thời gian qua. Em cảm thấy cảm thấy may mắn khi được làm việc cùng những đồng nghiệp thân thiện trong một môi trường làm việc vô cùng tốt, đồng thời cũng rất biết ơn sự hỗ trợ và tạo điều kiện của cấp trên và đồng nghiệm để em có thể hoàn thành tốt công việc này. Trong suốt quá trình làm việc tại công ty, em đã học được nhiều điều bổ ích như [liệt kê các kinh nghiệm, bài học mà bạn có được] và những kinh nghiệm này sẽ theo em ở hành trình nghề nghiệp trong tương lai.
Trong tháng cuối cùng làm việc tại công ty, em sẽ cố gắng hoàn thành các công việc còn dang dở, đồng thời sẽ hướng dẫn và bàn giao công việc cho người thay thế vị trí của mình. Ngoài ra, anh/ chị vui lòng báo cho em biết nếu em có thể giúp gì cho công ty trong thời gian chuyển giao công việc.
Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn anh/chị và công ty đã tin tưởng em trong suốt thời gian vừa em. Xin chúc công ty luôn thành công và em hy vọng sẽ vẫn giữ liên lạc với công ty trong tương lai.
Trân trọng,
Ký tên
[tên của bạn]
* Mẫu 02: Xem mẫu email xin nghỉ việc: Tại đây.
* Mẫu 03: Xem mẫu email xin nghỉ việc (Tiếng Anh): Tại đây.
Muốn xin nghỉ việc thì báo trước mấy ngày?
Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Theo đó, trừ những trường hợp không cần báo trước như quy định trên, người lao động muốn xin nghỉ việc phải báo trước cho người sử dụng lao động:
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.