Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương bao nhiêu ngày trong những ngày lễ tết của năm?
Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương bao nhiêu ngày trong những ngày lễ tết của năm?
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, người lao động có 6 ngày lễ tết trong năm và được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương tổng cộng 11 ngày, cụ thể:
- Tết Dương lịch: 1 ngày
- Tết Âm lịch: 5 ngày
- Ngày Chiến thắng: 1 ngày
- Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày
- Quốc khánh: 2 ngày
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 1 ngày
Riêng lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì được nghỉ làm việc tổng cộng 13 ngày lễ, Tết. Tất cả ngày nghỉ lễ tết, người lao động đều được hưởng nguyên lương.
Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương bao nhiêu ngày trong những ngày lễ tết của năm? (Hình từ Internet)
Người lao động có thể xin nghỉ thêm để kéo dài thời gian nghỉ lễ tết của mình hay không?
Tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, trường hợp người lao động nếu có nhu cầu kéo dài thời gian nghỉ lễ tết thì có thể thỏa thuận với công ty để nghỉ không lương. Nhưng phải được sự đồng ý từ phía công ty thì mới được nghỉ.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm của ngày nghỉ lễ tết thì nhận bao nhiêu lương?
Tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, nếu đi làm vào ngày lễ tết thì ngoài tiền lương, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ.
Nếu người lao động đi làm thêm giờ vào ban đêm ngày lễ tết thì sẽ được hưởng lương như sau:
- 100% : ngày làm việc bình thường
- 300% : ngày lễ Quốc khánh
- 30% : làm việc vào ban đêm
- 60% : 20% x tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày của ngày lễ, tết (300%)
Như vậy, tổng tiền lương mà người lao động nhận được khi đi làm thêm giờ vào ban đêm ngày lễ tết là: 490%.
Nếu không thanh toán tiền lương làm việc ngày lễ tết cho người lao động thì người sử dụng lao động bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 50.000.000 đồng đối với cá nhân nhân hoặc 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.