Người lao động có được chủ động yêu cầu trả lương bằng ngoại tệ không?
Người lao động có được chủ động yêu cầu trả lương bằng ngoại tệ không?
Căn cứ Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Theo đó, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Trả lương
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). Theo đó, pháp luật lao động đã quy định rất rõ rằng tiền lương mà công ty trả lương cho người lao động phải được ghi rõ trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động bằng tiền Việt Nam. Trả lương bằng ngoại tệ chỉ áp dụng với lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Như vậy, người lao động không có quyền yêu cầu công ty trả lương bằng ngoại tệ trừ trường hợp là người lao động nước ngoài.
Người lao động có được chủ động yêu cầu trả lương bằng ngoại tệ không?
Người lao động có được ủy quyền cho người khác nhận lương thay hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Như vậy, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp từ người sử dụng lao động thì người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương thay mình.
Nhận lương bằng ngoại tệ đóng bảo hiểm xã hội ra sao?
Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:
Quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc đóng bảo hiểm xã hội và ghi sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
1. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02 tháng 01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01 tháng 07 cho 06 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
2. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo đó, người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02/01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01/07 cho 06 tháng cuối năm.
Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam được tính như trên.