Mức trợ cấp thương binh mới nhất là bao nhiêu?
Mức trợ cấp thương binh mới nhất là bao nhiêu?
Tại Điều 3 Nghị định 75/2021/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 77/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi
1. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng (sau đây gọi tắt là mức chuẩn).
2. Mức chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.
Theo đó, từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.
Mức trợ cấp thương binh được chia thành 2 đối tượng:
- Trợ cấp thương binh
Căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP, mức trợ cấp này sẽ dựa trên mức chuẩn là 2.789.000 đồng và mức suy giảm khả năng lao động của từng thương binh, dao động từ 1.878.000 đồng đến 8.941.000 đồng.
Xem chi tiết Mức trợ cấp thương binh: Tại đây
- Trợ cấp thương binh loại B
Tương tự, mức trợ cấp thương binh loại B cũng căn cứ vào mức chuẩn là 2.789.000 đồng và mức suy giảm khả năng lao động. Cụ thể, theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP, mức trợ cấp thương binh loại B dao động từ 1.552.000 đồng đến 7.397.000 đồng.
Xem chi tiết Mức trợ cấp thương binh loại B: Tại đây
Mức trợ cấp thương binh mới nhất là bao nhiêu?
Thương binh là như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 thì thương binh là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ trong Quân đội nhân dân và sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong Công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét công nhận là thương binh, cấp “Giấy chứng nhận thương binh” và “Huy hiệu thương binh” khi thuộc một trong các trường hợp:
- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
- Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp với vùng địch chiếm đóng;
- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
- Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà để lại thương tích thực thể;
- Làm nghĩa vụ quốc tế;
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
- Do tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;
- Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Thương binh được hưởng các chế độ ưu đãi nào?
Tại Điều 24 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 quy định như sau:
Chế độ ưu đãi đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh
1. Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh như sau:
a) Trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể và loại thương binh;
b) Trợ cấp người phục vụ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình;
c) Phụ cấp hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;
d) Phụ cấp đặc biệt hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng thì không hưởng phụ cấp hằng tháng.
2. Bảo hiểm y tế.
3. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên thì được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
4. Ưu tiên, hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể.
5. Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.
6. Được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang bị, thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh.
Theo đó thương binh được hưởng các chế độ ưu đãi sau:
- Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng;
- Bảo hiểm y tế;
- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;
- Ưu tiên, hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện làm việc;
- Chế độ ưu đãi điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020;
- Ngoài ra còn được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang bị, thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh.