Mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với các công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy là bao nhiêu?
Khi nào công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 26/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng, Điều động, biệt phái đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) làm công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Các cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này bao gồm:
a) Cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy gồm: Cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện; cơ sở cai nghiện bắt buộc (cơ sở Điều trị nghiện bắt buộc); cơ sở xã hội; cơ sở đa chức năng; cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy;
b) Cơ sở trợ giúp xã hội công lập gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; trung tâm công tác xã hội.
Theo đó, phụ cấp ưu đãi nghề áp dụng đối với công chức khi làm việc theo chế độ hợp đồng, điều động, biệt phái đã được xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP làm công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy, bao gồm:
- Cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện.
- Cơ sở cai nghiện bắt buộc (cơ sở Điều trị nghiện bắt buộc).
- Cơ sở xã hội.
- Cơ sở đa chức năng.
- Cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.
Mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với các công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Thời gian nào không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi nghề?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 26/2016/NĐ-CP quy định về thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, cụ thể như sau:
Thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề
1. Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
2. Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức.
3. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.
4. Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
5. Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn từ 1 tháng trở lên.
6. Thời gian được cơ quan có thẩm quyền Điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn liên tục từ 1 tháng trở lên.
Theo đó nếu công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy rơi vào các thời gian nêu trên thì thời gian này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với các công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 26/2016/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, cụ thể như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy
1. Phụ cấp ưu đãi y tế:
a) Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế trực tiếp khám, Điều trị, chăm sóc, xét nghiệm cho người nghiện ma túy bị bệnh HIV/AIDS;
b) Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế và người trực tiếp làm các công việc trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
c) Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế và người trực tiếp làm các công việc trông coi, bảo vệ, vận chuyển, phục vụ người nghiện ma túy bị nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở các vùng còn lại;
d) Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế và người trực tiếp phục vụ người nghiện ma túy trong quá trình Điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại các cơ sở ở vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
đ) Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên môn y tế và người trực tiếp phục vụ người nghiện ma túy trong quá trình Điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại các cơ sở ở các vùng còn lại.
2. Phụ cấp ưu đãi giáo dục:
a) Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức trực tiếp dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở ở các vùng còn lại.
3. Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với công chức, viên chức làm công tác quản lý không trực tiếp làm chuyên môn y tế, dạy văn hóa, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và dạy nghề tại các cơ sở ở vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và mức phụ cấp 15% áp dụng đối với công chức, viên chức làm công tác này tại các cơ sở ở các vùng còn lại.
Theo đó, công chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy nhận được phụ cấp ưu đãi y tế và phụ cấp ưu đãi giáo dục với các mức được nêu trên.